Tối 5-5, Chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ Quyết thắng” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024) diễn ra long trọng tại năm điểm cầu là Điện Biên, Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hoá, Kon Tum.
Tham dự tại điểm cầu TP.HCM có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Gợi nhớ một thời oanh liệt của chiến sĩ Điện Biên
Tên gọi “Dưới lá cờ Quyết Thắng” được lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu “Quyết chiến - Quyết thắng” Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22-12-1953. Đó là giải thưởng luân lưu khích lệ toàn quân vượt gian khó, hiểm nguy hăng hái thi đua, lập thành tích.
Qua năm điểm cầu, bức tranh về chiến thắng Điện Biên Phủ đã được tái hiện chân thực và toàn cảnh. Đó không chỉ là chiến thắng của riêng Điện Biên Phủ mà cả dân tộc đã cùng đồng lòng, góp sức người, sức của, hy sinh xương máu, với tất cả những gì mình có để cùng đóng góp nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tại điểm cầu Hà Nội, bà Ngô Thị Ngọc Diệp, Văn công sư đoàn 308, đã cùng mọi người hát vang ca khúc “Qua cầu Tây Bắc”. Với bà Diệp, ký ức lớn nhất đọng lại sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là tinh thần quyết chiến quyết thắng của bộ đội ta và toàn thể chiến sĩ.
“Xem chương trình tôi thấy mình như trẻ lại mấy chục năm trước. Năm ấy, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi với tinh thần quyết chiến quyết thắng đã cùng đoàn kết để làm sao giúp chiến dịch toàn thắng” - bà Diệp nhớ lại.
Đến 21 giờ 30, tại điểm cầu TP.HCM, bài hát Tiến Quốc ca được các đại biểu, cựu chiến sĩ và thanh niên xung phong hát vang vọng khắp Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (quận 1).
Ông Đinh Hữu Cán (92 tuổi, Sư đoàn 312) rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh chiến trường Điện Biên Phủ được phục dựng lại sống động.
“Tôi tham gia chiến trường Điện Biên Phủ khi tuổi còn rất trẻ, đến năm 22 tuổi, tôi vô cùng vinh dự khi được đứng vào hàng ngũ chiến thắng, thế nhưng rất nhiều đồng đội và chiến sĩ của tôi đã ngã xuống tại nơi ấy. Nhìn lại những hình ảnh của Điện Biên Phủ năm ấy khiến tôi nhớ lại đồng đội cùng một thời oanh liệt của mình” - ông Cán tâm tình.
70 năm đau đáu đi tìm hài cốt của cha
Còn tại điểm cầu Điện Biên, bà Nguyễn Thị Oanh và bà Nguyễn Thị Kim - hai người con gái của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật (Trung đoàn 209, Đại đoàn 212) đã được trao tận tay tấm chân dung của cha - người đã hy sinh để góp nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật tham gia chiến trường Điện Biên Phủ khi bà Oanh, bà Kim còn rất nhỏ. 70 năm qua từ ngày chiến thắng, hai người con của liệt sĩ vẫn đau đáu đi tìm hài cốt của cha mình.
Đến nay, tại cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” điểm cầu Điện Biên Phủ, bà Oanh và bà Kim được ba người đồng đội cũ của cha trao lại tấm chân dung của ông. Tấm chân dung ấy được phục dựng từ hình ảnh vợ, họ hàng, người thân của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật.
“Đến nay, khi chúng tôi được hưởng vinh quang từ chiến thắng Điện Biên Phủ, được Nhà nước quan tâm, chăm sóc thì không biết những người đồng đội của tôi, những người đã ngã xuống có được hưởng gì không?”- ông Điều, đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật, đau đáu.
Ông Điều cũng bày tỏ nguyện vọng muốn nhận hai người con của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật làm con.
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã trao tặng Kỷ niệm chương cho các cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” là chương trình quy mô lớn, với ekip thực hiện khoảng 500 người và sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp, trực tiếp biểu diễn tại 5 điểm cầu.
Với thời lượng 120 phút, cầu truyền hình sẽ đưa khán giả quay lại những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn.
Tại chương trình, những đoạn phim tư liệu về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm đã được chiếu lại.
Khán giả cũng được thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật với những ca khúc, sáng tác sống mãi với thời gian như Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Nam Bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Tây Nguyên bất khuất (Văn Ký),…