Trên Facebook cá nhân của mình, khi thông tin về sự ra đi của nhà văn được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) đăng tải, nhiều lời thương tiếc đã được cộng đồng mạng chia sẻ. Trong đó có không ít người nhắc đến tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký, một tác phẩm đã gợi nhớ đến tuổi thơ của nhiều người.
Sự ra đi của nhà văn đã từng được dự cảm. Năm trước, khi đang ở tuổi 94, nhà văn Tô Hoài đã phải đối mặt với cơn bạo bệnh và phải nhập viện. Thế nhưng trên khuôn mặt hao gầy và làn da xanh xám của ông vẫn luôn rạng rỡ nụ cười mỗi khi đón khách cùng một phong thái trò chuyện rất “hóm lẹm” như chữ mà đồng nghiệp văn chương từng dành cho ông.
Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
“Nếu làm bảng thống kê thì khéo phải dành hết vài trang giấy A4 may ra mới ghi đủ số lần bác vào viện. Nhưng lúc còn trẻ, khỏe, vào viện... nhẹ tênh. Giờ có tuổi rồi vào viện... run lắm. Cũng vì bác ham sống để còn được ham viết!” - tác giả của những Dế mèn phiêu lưu ký, Vợ chồng A Phủ, Chuyện cũ Hà Nội… đã nói như thế trên một tờ báo về những lần vào ra bệnh viện của mình.
Sống vắt mình suốt từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 cho đến những ngày hè Hà Nội năm nay, nhà văn Tô Hoài còn được coi như một nhân chứng lịch sử của thủ đô. Ở ông có một sức viết, sức sáng tạo kỳ lạ. Nhẩn nha tính, người ta thấy ngòi bút của ông đã chạm đến nhiều địa hạt như tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác, kịch bản phim...
“Ham sống để được ham viết” - ước muốn ấy của ông đã dừng lại trong ngày tắt nắng của Hà Nội. Ông ra đi ở nhà riêng, không phải ở bệnh viện, nơi mà ông từng tâm sự vẫn thấy run mỗi khi đến. Nhà riêng của ông ở khu tập thể Nghĩa Tân, trong căn nhà đó, thủa sức khỏe còn đằm đượm, ông vẫn thường ngồi trong phòng khách nơi có thể nhìn ra mặt đường bên cạnh, nơi có một cái vỉa hè đủ dung nạp không gian sống của người Hà Nội, những cảnh bán buôn, những người lam lũ bám lấy những lối đi chật chội để mưu sinh.
Hà Nội giờ đã biến đổi như cách biến đổi của thời cuộc nhưng những người bán buôn hay sinh sống ở căn nhà nhỏ trên phố Nghĩa Tân chắc sẽ khó quên hình ảnh một ông già vẫn thường mở cửa phòng khách dong mắt về phía họ thay cho lời chào.
GS Hà Minh Đức, trong cuốn Tô Hoài - đời văn và tác phẩm (NXB Văn học, 2007) đã kể câu chuyện: “Một lần qua màn hình tivi, ông bắt gặp hình ảnh 12 em bé bị đắm thuyền, xác được vớt lên, đặt trên bãi cỏ, bên cạnh là cuốn Dế mèn phiêu lưu ký ướt sũng, với hình con dế mèn to sụ, đậm màu ở bìa sách”. GS Hà Minh Đức đã kể lại chuyện này với cha đẻ của chú dế mèn thân thương kia - nhà văn già Tô Hoài, khi ấy đã ở tuổi ngoài 80, hỏi GS Hà Minh Đức trông thấy ở đâu. Giáo sư nói trên truyền hình quay rất rõ. Nghe xong, nhà văn nghẹn lời, đôi mắt đỏ hoe, rưng rưng chực khóc…
VIẾT THỊNH
Ngày 6-7, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên xác nhận với Pháp Luật TP.HCM, nhà văn Tô Hoài đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 95 tuổi. Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại làng Nghĩa Đô (huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (đợt 1-1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Truyện dài Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm rất nổi tiếng của ông dành cho thiếu nhi, đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Tác phẩm gần đây nhất là tập truyện Ba người khác và hồi ký Cát bụi chân ai. |