Chiều 10-6, TAND quận 3 (TP.HCM) đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp đòi Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Quốc Cường (gọi tắt là Quốc Cường - Gia Lai) trả tiền phạt do chậm bàn giao căn hộ. Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, ngụ tại căn hộ A1507, chung cư Quốc Cường - Gia Lai (421 Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7).
Rút lại hai yêu cầu kiện
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, có 20 hộ gia đình tại chung cư này (trong đó có bà Ngọc) khởi kiện chủ đầu tư Quốc Cường - Gia Lai với ba yêu cầu. Một là công ty này phải trả 1,5% lãi suất trên tổng số tiền mà họ đã nộp do căn hộ giao chậm so thời gian ấn định trong hợp đồng. Hai là Quốc Cường phải bồi thường do thi công nội thất không đúng như các điều khoản trong hợp đồng, gây thiệt thòi cho khách hàng. Và ba là công ty đã thu sai phần thuế giá trị gia tăng (VAT) nên phải trả lại.
Tuy nhiên, tại phiên tòa này, bà Ngọc đã rút lại hai trong số ba yêu cầu trên, chỉ yêu cầu Quốc Cường thanh toán số tiền phạt do chậm giao nhà từ tháng 7-2009 đến 23-4-2011. Ngoài ra, bị đơn còn phải chịu lãi do chậm thanh toán số tiền này đến ngày xét xử. Cụ thể, bà Ngọc yêu cầu Công ty Quốc Cường phải trả 498 triệu đồng gồm khoản phạt 22 tháng chậm giao căn hộ với mức 1,5%/tháng (420 triệu đồng) và lãi chậm thanh toán số tiền này tính đến nay là 25 tháng, tức 78 triệu đồng.
Chung cư Quốc Cường - Gia Lai, đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7. Ảnh: HY
Bà Ngọc cho biết lý do rút lại hai yêu cầu khởi kiện là để vụ kiện được giải quyết nhanh vì bà đã mệt mỏi khi đeo đuổi vụ kiện này. Bà nói việc đòi bồi thường trang trí nội thất sẽ khiến vụ án kéo dài hơn do phải giám định.
Bên nhường, bên cương
Ngay từ đầu phiên tòa, chủ tọa đã tạo điều kiện cho đôi bên thương lượng. Tuy nhiên, giám đốc Công ty Quốc Cường đã lên tiếng từ chối việc thương lượng vì cho rằng yêu cầu đòi tiền phạt của nguyên đơn không có cơ sở.
Theo bị đơn, bà Ngọc là khách mới mua nhà lại sau khi công ty thanh lý hợp đồng với hai đời chủ trước. Hợp đồng bà ký là vào 1-3-2010, tức đã trễ tám tháng so với ấn định giao căn hộ của công ty. Bà Ngọc thừa biết không thể giao nhà vào tháng 7-2009 nhưng vẫn đồng ý mua nghĩa là bà chấp nhận việc giao trễ. Như vậy, việc nguyên đơn mua căn nhà khoảng 1,2 tỉ đồng mà đòi lãi phạt đến mấy trăm triệu đồng là không hợp lý.
Đáp lại, bà Ngọc cho rằng bà mua lại căn hộ trên từ khách trước và nộp đủ 95% số tiền cho Quốc Cường theo quy định. Ngoài ra, bà còn chịu thêm tiền chênh lệch giá cho chủ cũ. Vì vậy, bà đương nhiên hưởng lợi từ chủ cũ, tức phải được tính tiền phạt chậm giao căn hộ từ 2009. Trong thời gian này, bà phải thuê nhà, vay tiền ngân hàng đóng đủ cho chủ đầu tư nên yêu cầu của bà là thỏa đáng. Trong khi đó, nếu bà nộp chậm thì phía công ty sẽ phạt tiền rất nặng.
Giải thích thêm, Công ty Quốc Cường nói đây chỉ là hợp đồng góp vốn, không phải mua bán. Bản chất việc góp là để có vốn hình thành giao căn hộ, chưa phải là việc mua bán nhà. Sau đó, đôi bên còn phải làm tiếp hợp đồng mua bán. Điều khoản về thời điểm bàn giao căn hộ trong hợp đồng này là vô hiệu. Và rằng bà Ngọc khi ký đã biết thời gian bàn giao căn hộ sẽ chậm, chẳng qua là do sơ sót nên trong hợp đồng vẫn ghi ngày giao nhà là tháng 7-2009, trong khi hợp đồng ký vào tháng 3-2010.
Quốc Cường từng chịu phạt
Chủ tọa phân tích tất cả hợp đồng khi chuyển nhượng lại đều đã thanh lý hợp đồng cũ rồi mới ký hợp đồng mới. Nếu bà Ngọc cho rằng có thụ hưởng quyền từ chủ cũ thì phải chứng minh các bên có thỏa thuận bằng văn bản vấn đề thụ hưởng tiền phạt chậm giao căn hộ. Bà Ngọc đồng ý với HĐXX chỉ tính tiền phạt chậm giao từ ngày 1-3-2010 (thời điểm bà ký hợp đồng) đến ngày nhận căn hộ 23-4-2011. Số tiền bà yêu cầu là 258 triệu đồng kèm lãi suất chậm thanh toán.
Bà Ngọc cũng nêu ra nhiều trường hợp có thể hòa giải tại tòa và Công ty Quốc Cường đều chịu tiền phạt chậm giao căn hộ. Phía bị đơn cho rằng đó là những trường hợp khác, các khách hàng này ký hợp đồng vào thời điểm sau ba tháng công ty ấn định giao nhà nhưng chưa thực hiện nên có thể du di. Tuy nhiên, công ty từ chối việc công bố số tiền đã trả cho các khách hàng này.
Do vụ án có nhiều vấn đề cần thảo luận nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài và dự kiến sẽ tuyên án vào chiều 17-6 tới. Chúng tôi sẽ theo dõi và thông tin kết quả phiên tòa đến bạn đọc.
Người mua luôn chịu thiệt Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng trong các trường hợp góp vốn mua căn hộ, khách hàng thường luôn nhận lãnh phần thiệt thòi. Bởi khi ký hợp đồng, phía chủ đầu tư là bên xây dựng hợp đồng nên phần thuận lợi luôn thiên về phía họ. Luật sư Thuận phân tích: Xét về nghĩa vụ bên mua, họ phải đóng tiền theo các đợt mà phía công ty bán dự án đặt ra, việc chậm thanh toán phải chịu phạt theo lãi suất ngân hàng. Nhưng việc chậm thanh toán này (luôn được người bán ấn định rõ trong hợp đồng) phải được bên bán chấp thuận và chỉ được du di một lần trong suốt thời gian thanh toán. Nếu bên mua vi phạm, bên bán hoặc chủ dự án có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và bán căn hộ cho bên thứ ba. Trong khi đó, bên bán nếu chậm nghĩa vụ giao nhà thì chỉ phải chịu trả lãi theo ngân hàng chứ không kèm theo điều kiện nào khác. “Đây rõ ràng là sự không sòng phẳng. Từ đây, nếu chủ đầu tư cố tình trì hoãn các giai đoạn, ngâm vốn hoặc không xây chung cư thì bên thiệt thòi vẫn là khách hàng” - luật sư Thuận nói. |
HOÀNG YẾN