Hướng dẫn 21 này thay thế cho Hướng dẫn 16 (mới ban hành hồi tháng 9-2018) với nhiều sửa đổi kỹ thuật, gọn hơn khoảng 30% so với văn bản cũ. Nhưng kỹ thuật trình bày, thay đổi câu chữ cho thấy có một số điểm đáng chú ý.
Chẳng hạn, ở mục đầu tiên về “mục đích, yêu cầu”, Hướng dẫn 21 bổ sung một điểm đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm. Cấp ủy cấp trên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm khách quan, toàn diện, thực chất.
Cũng trong mục này, lưu ý trong kiểm điểm phải khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; phải nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để sửa chữa, khắc phục.
Đáng chú ý, về phương pháp, phải lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể.
Thực hiện đánh giá liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng của cá nhân với tập thể và với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Về đối tượng, so với Hướng dẫn 21 có điểm mới là cấp ủy viên bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy thì vẫn phải kiểm điểm. Trước đây không quy định rõ nên rơi vào tình huống tương tự thì địa phương lúng túng.
Thời gian tổ chức kiểm điểm của tập thể, cá nhân cỡ Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy thuộc trung ương, hướng dẫn trước đây quy định khá dài nhằm tăng chất lượng kiểm điểm. Tuy nhiên, qua thực tế thấy như vậy cứng quá nên lần này hướng dẫn mềm hơn.
Chẳng hạn, kiểm điểm bình thường chỉ tối thiểu 2-3 ngày (trước là ba); trường hợp được Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý, tức là có vấn đề cần kiểm điểm sâu, thì 3-4 ngày (trước là bốn ngày)…
Để việc đánh giá chất lượng tổ chức đảng thực chất hơn, khắc phục tình trạng “lạm phát”, hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hướng dẫn 21 đưa ra một số tiêu chí cụ thể mà qua đó việc phân loại tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ khó hơn trước.
Hướng dẫn 21 cũng lưu ý chi tiết hơn một số tình huống phát sinh. Chẳng hạn, nguyên tắc chung là “mức xếp loại của người đứng đầu không được cao hơn mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu”.
Nay vẫn giữ nguyên tắc này nhưng cho phép ngoại lệ với trường hợp người đứng đầu mới được điều từ nơi khác tới không phải chịu trách nhiệm về những bất cập, hạn chế, yếu kém của tổ chức thì vẫn có thể được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao hơn của tập thể mới.