(PLO)- Sau 2 năm không ngừng săn tìm, anh Hồ Lê Bá Lợi (quận 12, TP.HCM) đã sở hữu bộ sưu tập hơn 100 con cuốn chiếu với nhiều loại như cuốn chiếu viên, cuốn chiếu lưng tròn, cuốn chiếu lưng phẳng,...
Trước đây, anh Hồ Lê Bá Lợi học chuyên ngành thú ý ở trường Cao đẳng Sài Gòn Gia Định. Sau tốt nghiệp , anh làm việc cho một phòng khám thú y tại TP.HCM. Trong thời gian ấy, anh tò mò về loài cuốn chiếu và bắt đầu tìm hiểu thông tin, đi tìm cuốn chiếu đem về nuôi. Với anh Lợi, những lúc rảnh rỗi ngắm nhìn các con cuốn chiếu như một thú vui, cảm giác đặt trên tay, sờ nắm, cuốn chiếu bò nhúc nhích càng khiến anh thấy chúng thú vị. Để có thời gian thực hiện kế hoạch đi phượt "săn" cuốn chiếu của mình, anh quyết định nghỉ việc ở phòng khám, chuyển sang làm công việc tự do, tập trung cho niềm đam mê.
Cuốn chiếu là động vật chân khớp thuộc lớp chân kép, phân ngành nhiều chân. Đúng như tên gọi, loài sinh vật này có tập tính cuộn tròn cơ thể giống như khi cuốn một chiếc chiếu. Trước đây, sau mỗi giờ học, giờ làm, anh chạy xe máy từ TP.HCM về nhà ở quê Long An. Từ lúc “nghiện” nuôi cuốn chiếu, anh quyết định thuê căn phòng trọ tại quận 12, TP.HCM để có không gian thoải mái bài trí các chuồng nuôi con vật này. Đến nay, anh Lợi đã sở hữu bộ sưu tập hơn 100 con cuốn chiếu đủ loại. Một số loại phổ biến như cuốn chiếu viên, cuốn chiếu lưng tròn, cuốn chiếu lưng phẳng được anh nuôi số lượng nhiều. Một con cuốn chiếu "khổng lồ" thuộc chi Alienostreptus với chiều dài gần 28cm khiến anh Lợi ấn tượng. Nhiều người thắc mắc về việc nuôi con vật "không giống ai", anh Lợi cho biết, hiện nay cộng đồng nuôi cuốn chiếu làm thú cưng chưa phổ biến, tài liệu còn hạn chế, đó cũng là lý do khiến anh càng mê nuôi cuốn chiếu nhiều hơn để có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu về cách sống, cách hoạt động của chúng. Anh Lợi chia sẻ thêm, thoạt nhìn nhiều người sẽ dè chừng vì sợ cuốn chiếu cắn, tuy nhiên loài sinh vật này vô cùng hiền lành. Một số loài tự vệ bằng cách tiết ra chất dịch trong lúc bị sờ nắm, trong trường hợp này mọi người chỉ cần rửa tay sạch bằng nước, tránh dính vào mắt, mũi, miệng. Cuốn chiếu là động vật ăn vụn hữu cơ nên thức ăn chủ yếu là lá cây mục và gỗ mục. Khi sinh sản con cuốn chiếu sẽ đẻ trứng, sau khi trứng nở, ấu trùng sẽ trải qua nhiều lần lột xác để trưởng thành. “Cuốn chiếu có tập tính chôn vùi trứng xuống lớp nền sâu, rất khó phát hiện. Thế nên trong quá trình thay đất, mình thường giữ lại lớp đất cũ bên dưới để hạn chế làm mất trứng của cuốn chiếu”, anh Lợi cho biết. Loài vật này di chuyển chậm, sức đào bới khoẻ, tuổi thọ thường kéo dài từ 1-10 năm, tuỳ loài. Chia sẻ về cách “xây nhà” cho cuốn chiếu, anh Lợi cho biết người nuôi cần chuẩn bị một thùng lớn, rải một lớp nền dày gồm lá cây mục, gỗ mục mềm,… Nếu con cuốn chiếu dài khoảng 20cm thì độ cao của nền cũng tương ứng 20cm, chiều dài chuồng cần gấp đôi chiều dài cơ thể cuốn chiếu. “Cuốn chiếu là loài ưa ẩm nhưng không ưa ướt, vì vậy để tạo độ ẩm phù hợp cho chuồng, người nuôi chỉ cần xịt nước phun sương nhẹ nhàng ”, anh Lợi cho biết. “Thi thoảng có một số con cuốn chiếu mình nuôi bị chết do mình vẫn chưa hiểu yêu cầu chăm sóc của từng loài. Tại Việt Nam thú chơi sinh vật này còn mới nên thông tin còn hạn chế, mình vẫn đang cố gắng nghiên cứu, đọc tài liệu mỗi ngày”, anh Lợi chia sẻ. Để làm đa dạng cho bộ sưu tập của mình, mỗi năm anh Lợi sẽ thực hiện khoảng 10 chuyến đi đến các vùng đất khác để săn tìm cuốn chiếu. Các chuyến đi phượt sẽ thường kéo dài khoảng vài ngày đến một tuần, “chiến lợi phẩm” thu về là các loại cuốn chiếu mới, màu sắc lạ mắt với nhiều kích cỡ khác nhau. Trong những chuyến đi, anh Lợi không di chuyển quá sâu vào rừng, chủ yếu tập trung tìm dưới các gốc cây lớn, nơi có lớp lá rụng dày, cành cây mục bởi độ ẩm tại vị trí này giữ được lâu, các con cuốn chiếu sẽ sinh sống, phát triển nhiều. “Thời điểm mình chọn đi rừng sẽ từ khoảng tháng 6 đến tháng 12, bởi lúc này rơi vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt, không khí mát mẻ, cuốn chiếu bò lên nhiều, dễ tìm thấy”, anh Lợi thông tin. Chuyến đi đến một số khu vực của tỉnh Đồng Nai kéo dài khoảng 2-3 ngày gần đây đã giúp anh tìm được nhiều loại cuốn chiếu ấn tượng. Anh Lợi cho biết ở mỗi khu vực, cuốn chiếu sẽ có đặc điểm khác nhau, chính vì thế mỗi chuyến đi đối với anh là một sự trải nghiệm mới, phát hiện thêm nhiều điều thú vị về loài sinh vật nhiều chân. Nói về dự định trong tương lai, chàng trai 26 tuổi cho biết: “Sau khi mình đi hết các tỉnh thành tại Việt Nam, mình sẽ đặt chân đến một số quốc gia trên thế giới để khám phá thêm nhiều loài cuốn chiếu mới, thoả mãn đam mê của bản thân”.