Nói tiếng Việt khá rành rẽ, Georges Blanchard (quốc tịch Pháp, Giám đốc Liên minh Phòng, chống mua bán người Việt Nam, gọi tắt là AAT), kể lý do anh sáng lập AAT vào năm 2003: “Tôi muốn xóa các điểm cho người nước ngoài làm gái mại dâm ở Thái Lan, trong đó hơn 300 điểm có người Việt Nam. Trước đó chỉ có tổ chức di cư quốc tế IOM can thiệp nhưng có nhiều việc các chính phủ không hợp tác chặt chẽ được vì còn nhiều sự khác biệt và rào cản. Tôi muốn lập một tổ chức phi chính phủ. Tôi được Bộ Công an hợp tác và tạo điều kiện, điều đó rất may mắn với chúng tôi. Chúng tôi đã giúp khoảng 2.500 người trở về”.
Những câu chuyện đẫm nước mắt
Trong hàng ngàn cô gái mà AAT đã giải cứu, có những cô hoàn cảnh khá trái ngang. Loan, quê Đồng Tháp, là một trong số đó. Cách đây hơn chục năm, Loan bị bắt cóc bán sang Trung Quốc khi mới 14 tuổi. Sau đó Loan được đưa đi phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi gương mặt. Với nhân dạng mới, Loan được đưa đến Macau làm gái mại dâm và bị ép sử dụng ma túy để phụ thuộc hoàn toàn vào chủ chứa. Sau hai năm, Loan bị bán tiếp sang Hong Kong.
AAT đã giúp Loan trốn sang Campuchia, lo cho cô chỗ ở an toàn và gửi một nhân viên xã hội đến giúp đỡ. Loan đã tố cáo những kẻ buôn bán mình và làm đầu mối thông tin để công an giải cứu những cô gái khác. Georges nói: “Xã hội đen muốn giết Loan. Cần phải đưa Loan về ngay nhưng khó là Loan không còn giấy tờ gì để chứng minh là công dân Việt Nam. Loan ở chỗ tôi sáu, bảy tháng mà vẫn không làm được giấy tờ. Tôi nhờ người quen giúp và họ đã đưa câu chuyện lên báo nên các ngành chức năng phản hồi tích cực. Nhưng kể từ đó tôi không gặp Loan nữa”.
Câu chuyện tưởng kết thúc rất buồn vì Georges mất liên lạc với Loan. Nhưng bất ngờ mới đây Loan gọi điện thoại cho Georges báo rằng cô đã có chồng con và đang sống cuộc sống bình thường tại TP.HCM. Georges cười lớn: “Cô ấy vẫn ổn, vẫn nhớ đến chúng tôi. Như vậy là mừng rồi”.
Văn phòng AAT thường nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi đe dọa sẽ “xử” Georges vì đã nhúng tay vào chuyện làm ăn của họ. Georges và cộng sự không lo lắng về điều đó nhưng rất lo cho các cô gái chưa được giải cứu. Anh nói: “Năm 2015, trong tay tôi có danh sách hơn 250 người là nạn nhân nhưng chúng tôi chỉ đưa được 33 cô gái trở về. Phần lớn là thất bại”. Với anh, đó là thất bại khiến AAT phải làm việc nhiều hơn nữa.
Anh Georges Blanchard. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Những cô bé mang mật danh loài hoa
AAT đang bảo trợ cho 12 cô bé có hoàn cảnh đáng thương. Georges chia sẻ: “Các em có nguy cơ bỏ học sớm và bị đẩy vào con đường mại dâm. Chúng tôi dạy các em những nguy cơ về xâm hại tình dục, sức khỏe sinh sản và buôn bán người. Chúng tôi giúp các em được đi học bình thường như trẻ em khác”. Trong hồ sơ, mỗi em được đặt tên một loài hoa.
Cô gái có mật danh Tulip cho biết năm 2013, gia đình quá nghèo không thể lo cho hai chị em nên đang học lớp 10 cô phải nghỉ học, nhường cho em trai được tiếp tục ăn học. Tulip lên TP.HCM tìm việc làm. Công việc đầu tiên cô làm là phụ bán cà phê với mức lương 1,5 triệu đồng/ tháng, ở chung phòng trọ với một gái mại dâm. Cuộc sống quá chật vật, lại cần tiền giúp gia đình, cuối cùng cô đành chấp nhận bán dâm. Hằng tháng cô gửi về nhà 2 triệu đồng và giấu việc mình làm. Khi Georges tiếp cận, cô bày tỏ: “Tôi muốn quay lại trường nhưng không đủ khả năng. Tôi thực sự muốn học một nghề”.
Tulip được AAT hỗ trợ học nghề làm móng. Trước đây cô không dám ước mơ có một cuộc sống bình thường, nay thì đã có một ước mơ lớn: “Tôi sẽ tìm việc làm, tiết kiệm và mở một tiệm riêng. Tôi không muốn làm gái mại dâm thêm một ngày nào nữa”. Tulip cho biết cô không có gì để tự hào nhưng khi có việc làm, cô sẽ tự hào về bản thân mình.
Có nhiều cô gái nhỏ hơn, đang học THCS hoặc THPT được AAT giúp đỡ. Cô gái nhỏ chín tuổi mang mật danh hoa Thủy Tiên, sống trong một khu ngập nước, viết: “Con rất tự hào vì con học rất giỏi. Con rất yêu mẹ. Con sẽ kiếm tiền giúp mẹ”. Cô bé vô tư như một đóa hoa và không biết mẹ là gái mại dâm. Cô bé thường tham gia các buổi sinh hoạt, học tập kỹ năng của AAT.
Georges cảnh báo: “Hãy cảnh giác việc mai mối từ người quen. Rất nhiều cô gái sau khi lấy chồng nước ngoài, tự họ lập đường dây riêng để mua bán người. Họ dụ dỗ người quen biết chịu mai mối đi lấy chồng nước ngoài mà thực chất là mua bán người. Có rất nhiều cô gái đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An, Bắc Giang… bị bán sang Trung Quốc bởi nghe lời người quen mai mối”.
Các hoạt động của AAT • AAT bảo vệ và giúp đỡ các cô gái, trẻ em bị buôn bán hồi hương theo pháp luật Việt Nam và các nước liên quan. • AAT theo dõi con em của những cô gái mại dâm có nguy cơ cao bị lạm dụng tình dục và hỗ trợ các em học tập tại trường, giáo dục kỹ năng sống cho các em. • AAT làm việc với các tổ chức phi chính phủ, các đại sứ quán nước ngoài, các cơ quan của LHQ, các nghệ sĩ địa phương và các phương tiện truyền thông nhằm thúc đẩy một chương trình giáo dục giới tính, ngăn ngừa rủi ro ở tất cả trường học của Việt Nam trước năm 2018. • AAT hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất, tập huấn tình dục an toàn, phát bao cao su và tái hòa nhập thông qua đào tạo nghề và các khoản vay nhỏ cho các cô gái mại dâm. _______________________ Tôi đã làm việc với anh Georges. Trong các dự án chúng tôi làm việc chung thì dự án của AAT là hiệu quả nhất. Khoảng 100 phụ nữ là nạn nhân bị mua bán của tỉnh Bắc Giang đã được hỗ trợ vay vốn, hòa nhập, vươn lên. Riêng Georges rất nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng. Chị NGUYỄN THỊ KIM LIÊN, nguyên Chi cục phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Bắc Giang AAT là một tổ chức hỗ trợ chúng tôi rất hiệu quả trong việc phòng, chống mua bán người và hỗ trợ các nạn nhân. Georges và AAT đã có những hoạt động vận động chính sách rất tốt. Tôi rất trân trọng những đóng góp của Georges cho quyền lợi phụ nữ Việt. Bà LÊ THỊ HÀ, nguyên Cục phó Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH |