Chất vấn là để các thành viên Chính phủ, bộ, ngành có cơ hội giải trình. Giải trình được, các quan chức có liên quan sẽ tiếp tục giữ được sự tín nhiệm của Quốc hội, không giải trình được, sẽ đánh mất sự tín nhiệm này.
Đôi khi chất vấn còn là cơ hội để các cơ quan này giải thích vấn đề trước Quốc hội, vì vấn đề đại biểu chất vấn thực ra họ đã giải quyết rồi nhưng muốn có kết quả thì phải chờ thời gian.
Nói cách khác, chất vấn sẽ dẫn đến việc tín nhiệm hay không tín nhiệm các quan chức hành pháp hơn là để giải quyết ngay các vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, khi chế độ trách nhiệm được bảo đảm thì Chính phủ và các cơ quan hữu quan sẽ giải quyết tích cực và hiệu quả những vấn đề đang được đặt ra.
Tuy vậy, chất vấn chỉ là một trong bốn công cụ giám sát của Quốc hội. Bởi điều mà không ít vị đại biểu Quốc hội tâm tư là kiến nghị giám sát của họ không được thực hiện. Và họ muốn có một hệ thống các chế tài để bắt buộc các cơ quan của Chính phủ phải thực hiện.
Tuy nhiên, Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội có rất nhiều cách để bảo đảm việc thực hiện này. Những cách đó là chất vấn đối tượng bị giám sát như đã đề cập; ban hành nghị quyết nhắc nhở hoặc phê phán, cao nhất là Quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Có thể nói hoạt động giám sát không có hậu quả pháp lý. Hoạt động giám sát chỉ có hậu quả chính trị mà thôi. Nhiều đại biểu muốn được áp đặt chế tài để đảm bảo hiệu quả của hoạt động giám sát. Thế nhưng nếu Quốc hội ra tay xử phạt ai đó thì Quốc hội đang hành xử như quyền lực hành pháp hoặc quyền lực tư pháp. Quốc hội là thiết chế chính trị nên hoạt động giám sát chỉ có thể dẫn đến hậu quả chính trị. Cụ thể, Quốc hội có thể khen, có thể chê và có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Bởi vậy, công cụ giám sát thứ nhất và mạnh nhất của Quốc hội là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Người bị bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể mất chức, nếu không còn sự tín nhiệm của Quốc hội. Công cụ này được Quốc hội vận dụng rất linh hoạt. Thông thường thì các vị đại biểu bao giờ cũng kiến nghị thảo luận về sự tín nhiệm của Quốc hội đối với một quan chức nào đó trước.
Sau khi thảo luận, nếu có kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm và kiến nghị này được ủng hộ thì việc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới xảy ra. Bỏ phiếu bất tín nhiệm quý ở tính răn đe chứ không bao giờ nên lạm dụng.
Công cụ giám sát thứ hai là tranh luận tại các phiên toàn thể. Tranh luận bao giờ cũng làm cho mọi thứ trở nên minh bạch và chế độ trách nhiệm cũng được làm rõ.
Công cụ giám sát thứ ba là điều trần ở các ủy ban. Thực ra thế giới gọi là điều trần, còn ta thì gọi là giải trình. Chỉ có điều gọi là giải trình thì chỉ những người có trách nhiệm mới phải giải trình trước Quốc hội. Người dân và các chuyên gia không có trách nhiệm đó nhưng họ có thể tham gia điều trần để làm rõ vấn đề. Do đó, điều trần là thuật ngữ chính xác hơn.
Hiện nay, trong Quốc hội có nhiều ủy ban cấp tiến, gần đạt đến mức chuẩn điều trần, tức là họ đã nghe bằng cả hai tai. Điều trần mà chỉ nghe một phía, tức là chỉ nghe Chính phủ và các bộ, ngành liên quan báo cáo thì chưa thể thu thập được đầy đủ thông tin. Bởi vì rằng không một quan chức chính phủ nào có đủ khuyến khích để nói ra cả những điều không có lợi cho cơ quan mình.
Muốn có đầy đủ thông tin thì phải nghe cả hai tai. Nghe hai tai là nghe cơ quan quản lý, nghe các đối tượng bị tác động của chính sách và cuối cùng là các chuyên gia. Đó là ba đối tượng chính nhất thiết phải nghe.
Và công cụ cuối cùng là chất vấn như đã được nói đến ở phần đầu.