ChatGPT vào Việt Nam, cần khuôn khổ pháp lý phù hợp

(PLO)- Các chuyên gia không phủ nhận những lợi ích mà ChatGPT mang lại, tuy nhiên vẫn cho rằng cần có hành lang pháp lý phù hợp để kiểm soát.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, thế giới cũng như Việt Nam (VN) đang đổ dồn sự chú ý vào chatbot (hộp trò chuyện) ChatGPT, từ khóa “ChatGPT” có lượt tìm kiếm khủng.

Đây là một phần mềm dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, ChatGPT có khả năng trò chuyện với người dùng và xử lý giải đáp được rất nhiều công việc của con người.

Trước hiện tượng mới này, các chuyên gia cũng khuyến cáo nên sử dụng hiệu quả và sử dụng vào mục đích phù hợp để phát huy tối đa khả năng của trí tuệ nhân tạo mang lại.

ChatGPT hiện chưa hỗ trợ đăng ký tại Việt Nam. Ảnh: MINH HOÀNG

ChatGPT hiện chưa hỗ trợ đăng ký tại Việt Nam. Ảnh: MINH HOÀNG

Có thể bị lợi dụng vào mục đích xấu

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quang Thủ (kỹ sư công nghệ thông tin) cho biết ChatGPT mô phỏng cuộc trò chuyện giữa người với người. Nguồn dữ liệu mà ChatGPT sử dụng chính là nguồn nội dung khổng lồ trên Internet và đối tượng sử dụng của ChatGPT chủ yếu là những người làm nội dung trên Internet.

Ngay từ khi phát hành, ChatGPT được đón nhận vì sự thông minh, tiện dụng và được cung cấp miễn phí trên nước Mỹ và một số nước châu Âu. Tuy nhiên, tại VN hiện nay vẫn chưa thuộc danh sách các nước để đăng ký sử dụng. Để sử dụng được ChatGPT, người dùng phải sử dụng các phần mềm của bên thứ ba để chuyển vùng địa chỉ IP của máy tính sang nước khác thì mới có thể đăng ký.

Ngoài ra, trong quá trình đăng ký cũng cần phải có số điện thoại ở vùng lãnh thổ mà ChatGPT đang cho phép đăng ký thì mới xác thực được tài khoản (người dùng tại VN phải bỏ ra 0,8 USD để sử dụng một số điện thoại ở Mỹ để xác thực tài khoản).

ChatGPT có thể được sử dụng vào rất nhiều việc, trong đó không ngoại trừ việc các YouTuber (người làm nội dung trên YouTube) sử dụng để lên kịch bản cho các video của mình.

Ông Nguyễn Quang Thủ cho rằng không thể phủ nhận sức “nóng” của ChatGPT, tuy nhiên với một phần mềm trí tuệ nhân tạo thông minh như vậy, nhiều đối tượng có thể lợi dụng để sử dụng vào mục đích xấu. Ví dụ như có thể ứng dụng để gian lận trong thi cử một cách tinh vi hoặc các tội phạm mạng sử dụng ChatGPT để xây dựng các chatbot đóng giả con người để lừa đảo, sử dụng ChatGPT để tạo phần mềm độc hại có khả năng theo dõi thao tác gõ bàn phím của người dùng hoặc tạo ra mã độc tống tiền.

“Do vậy cần sử dụng và ứng dụng ChatGPT hợp lý và đúng mục đích để phát huy những lợi ích mà ChatGPT mang lại” - kỹ sư Nguyễn Quang Thủ nói.

Pháp luật được sinh ra là để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và khi công nghệ phát triển thì pháp luật cũng cần vận động, thay đổi phù hợp để kiểm soát điều này.

Cần kiểm soát ChatGPT bằng pháp luật

Liên quan đến những vấn đề pháp lý có thể xảy ra xoay quanh ChatGPT, luật sư Hoàng Kim Minh Châu (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết một sản phẩm công nghệ thông tin tốt hay xấu là do mục đích sử dụng của con người.

Việc ChatGPT sử dụng các dữ liệu từ một lượng lớn văn bản trên Internet có thể dẫn đến nhiều người lạm dụng để đạo văn, dẫn tới vi phạm các quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Mặc dù ChatGPT là một cỗ máy thông minh nhưng về bản chất đây vẫn là một trí tuệ nhân tạo chưa có đủ năng lực để đánh giá đúng bản chất của sự việc, vấn đề giống như con người.

Pháp luật sinh ra là để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, quản lý và vận hành xã hội theo đúng trật tự. Và khi mà công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì pháp luật cũng sẽ cần vận động, có những điều chỉnh bằng một khuôn khổ pháp lý phù hợp để kiểm soát.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên sử dụng pháp luật để kìm hãm những điều tích cực mà công nghệ mang lại. "Điều chúng ta cần làm là phải nhanh chóng trang bị năng lực kiểm soát trí tuệ nhân tạo, tránh tình trạng bị lạm dụng” - luật sư Minh Châu nói.•

Công cụ giúp phát hiện văn bản do AI tạo ra

Mới đây, OpenAI (công ty phát triển ChatGPT) đã ra mắt công cụ giúp người dùng phân biệt văn bản do con người viết và do AI tạo ra, bao gồm cả ChatGPT.

Cụ thể, OpenAI đã đào tạo công cụ phân loại văn bản từ 34 hệ thống tạo văn bản của năm tổ chức khác nhau, bao gồm cả chính OpenAI. Tuy nhiên, công ty thừa nhận rằng công cụ này có thể vô tình phân loại sai một số văn bản do AI thành văn bản do con người viết “do sự phổ biến của nội dung do AI tạo ra trên Internet” (tỉ lệ thành công chỉ khoảng 26%).

Công cụ này cần tối thiểu 1.000 ký tự hoặc khoảng 150-250 từ mới có thể phân tích và không thể phát hiện đạo văn, một hạn chế đặc biệt đáng tiếc.

Sau khi phân tích văn bản, công cụ sẽ dán nhãn “very unlikely” (rất khó xảy ra), “unlikely” (không chắc chắn), “unclear if it is” (không rõ liệu nó có phải là), “possibly” (có khả năng) và cuối cùng là “likely” (rất có thể) tùy vào tỉ lệ phát hiện nội dung đó có phải do AI tạo ra hay không.

Ngoài công cụ kiểm tra của OpenAI, người dùng có thể sử dụng ChatZero, công cụ được phát triển bởi một sinh viên ĐH Princeton, sử dụng các tiêu chí bao gồm “độ phức tạp” (độ phức tạp của văn bản) và “độ bùng nổ” (các biến thể của câu) để phát hiện xem văn bản đó có được viết bởi AI hay không.

Tương tự, công cụ phát hiện đạo văn Turnitin cũng đang phát triển thêm tính năng phát hiện văn bản do AI tạo ra. Ngoài ra, việc tìm kiếm thông tin trên Google cũng có thể giúp ích cho bạn trong việc phân biệt văn bản do AI tạo ra và do con người tạo ra…

Tuy nhiên, đây chỉ là những công cụ tham khảo nên không thể đánh giá chính xác tất cả nội dung, chỉ nên sử dụng song song với các công cụ khác.

Nhìn chung, công nghệ có thể mang đến nhiều lợi ích nhưng không nên quá lạm dụng ChatGPT vì việc này có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy.

TIỂU MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm