Châu Âu đang khó trong khó ngoài

(PLO)- Các bất ổn chính trị gần đây khiến châu Âu gặp thêm nhiều khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại với Mỹ khi ông Trump quay lại Nhà Trắng, để tìm hướng giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.

Hôm 18-12, khi Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky của Ukraine gặp các nhà lãnh đạo châu Âu để dùng bữa tối tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trở thành đề tài chính trong buổi gặp mặt. Vấn đề chính được thảo luận ở đây không chỉ sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump đã làm xáo trộn phản ứng của châu Âu đối với cuộc xung đột tại Ukraine ra sao, mà còn là việc châu Âu sẽ hợp tác với ông Trump thế nào.

Theo tờ The New York Times, châu Âu đang đối mặt nhiều vấn đề chính trị, đặc biệt tại hai nước Pháp, Đức. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự thống nhất và sức mạnh của châu Âu, nhất là vào thời điểm sự quay trở lại của ông Trump đang thách thức sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine.

Từ trái qua: Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris (Pháp) vào tháng 12. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Quá nhiêu thách thức với châu Âu

Tại Đức, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz vừa sụp đổ do Liên minh chính phủ Đức bao gồm 3 đảng: đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh tan rã. Đức cũng đang bị cuốn vào một cuộc tranh luận gay gắt trong nước về vấn đề kinh tế khi nền kinh tế với thế mạnh xuất khẩu nước này có thể gặp khó khăn nếu ông Trump áp thuế mạnh tay sau nhậm chức.

"Chúng tôi không được trang bị tốt, điều đó chắc chắn. Đây là thời điểm vô cùng tồi tệ đối với đất nước tôi khi đang ở giữa chiến dịch tranh cử, với một bức tranh chính trị khá phân cực” – ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ, nhận định.

Tuy nhiên, ông Ischinger nói ông lạc quan rằng sau cuộc bầu cử đầu năm sau, Đức sẽ có một chính phủ mới, có thể hợp tác tốt với chính quyền ông Trump.

Tại Pháp, quyền lực của Tổng thống Emmanuel Macron đã bị suy yếu nghiêm trọng. Kể từ mùa hè năm 2023, chính phủ Pháp liên tục thay đổi nhân sự. Sự không ổn định này phần nào có thể cản trở tính hiệu quả của các chính sách đối ngoại của Pháp đối với Mỹ dưới nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.

Dù vậy, thời gian qua, ông Macron vẫn đóng vai trò năng nổ trong việc định hình phản ứng của châu Âu đối với cuộc chiến tại Ukraine. Gần đây, ông đã đưa ra ý tưởng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tới Ukraine, dù ý tưởng này không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nước châu Âu khác.

Nước Anh hiện cũng gặp vấn đề kinh tế. Bên cạnh đó, chính phủ của Công đảng cũng gặp những bất đồng từ đảng đối lập Cải cách – vốn có mối quan hệ tốt với ông Trump.

"Vai trò của 3 quốc gia chính của châu Âu chưa bao giờ suy yếu đến vậy” - ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đánh giá.

Tình hình trên khiến Ý và Ba Lan trở thành những nước có thể định hình mối quan hệ tốt giữa châu Âu với Mỹ.

Thủ tướng Ý Georgia Meloni được các quan chức châu Âu đánh giá có thể xây dựng cầu nối giữa châu Âu và ông Trump do hai người có cùng quan điểm về nhiều vấn đề. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng được kỳ vọng sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt giữa châu Âu với Mỹ, đặc biệt là khi Ba Lan đảm nhiệm chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu vào năm tới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) hôm 16-12. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Châu Âu sẵn sàng hợp tác với ông Trump giải quyết xung đột tại Ukraine?

Giữa lúc chính giới châu Âu đối mặt nhiều vấn đề, ông Trump đã bắt đầu khởi động kế hoạch chấm dứt xung đột tại Ukraine.

The New York Times dẫn một số nguồn tin cho biết các trợ lý của ông Trump đang thảo luận về kế hoạch tạo ra một vùng đệm giữa Ukraine và Nga. Tại đây sẽ có 40.000 binh lính châu Âu tuần tra. Tuy nhiên, đề xuất này có thể bị Đức và Anh phản đối, do hai nước này ngay từ đầu cuộc chiến đã khẳng định sẽ không gửi quân đến Ukraine.

"Vùng đệm giữa Ukraine và Nga sẽ không xảy ra. Nhưng đó là một kịch bản rất hay" – theo ông Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu.

Nhưng nếu kế hoạch trên không được thực hiện, ông Trump hoàn toàn có thể sẽ đưa ra những ý tưởng khác để chấm dứt xung đột sau khi nhậm chức. Ông Shapiro cho rằng thách thức đối với các nhà lãnh đạo châu Âu không phải là làm sao để không bị ông Trump khiêu khích hoặc chia rẽ, mà phải đảm bảo rằng châu Âu có một vị thế đáng kể trong bất kỳ cuộc đàm phán ngoại giao nào liên quan Mỹ, Ukraine và Nga.

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì có nhiều rào cản. Theo ông Araud, các nhà lãnh đạo châu Âu đang tái sử dụng sách lược mà họ đã dùng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump để giữ mối quan hệ tốt với ông.

Đầu tháng 12, ông Macron đã mời ông Trump ngồi hàng ghế đầu tại buổi lễ mừng Nhà thờ Đức Bà Paris hoàn thành việc trùng tu. Ông Scholz cũng cho biết ông muốn gặp ông Trump trước khi ông rời nhiệm sở.

Binh sĩ Ukraine tại Pokrovsk (Ukraine) vào tháng 11. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trong khi đó, trong các phát biểu gần đây, các trợ lý của Thủ tướng Anh Keir Starmer lại đề cập về bữa tối mà ông và Ngoại trưởng David Lammy đã dùng với ông Trump vào tháng 9. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, ông Starmer và ông Trump đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại vào ngày 18-12, trong đó có nội dung thủ tướng Anh “đã nhắc lại nhu cầu các đồng minh phải sát cánh cùng Ukraine”.

Tuy nhiên, điều đó có xảy ra hay không phụ thuộc rất nhiều vào ông Trump.

"Hoặc là ông ấy lợi dụng những điểm yếu và chia rẽ này, hoặc ông ấy buộc các nước châu Âu phải đoàn kết” – ông Araud nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới