Ngày 2-8, TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm vụ cựu trung tá công an Huỳnh Thanh Hoàng (44 tuổi) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa tuy xử tội lừa đảo nhưng qua đó truyền đi thông điệp: Những ai dùng tiền “chạy” việc, nhất là “chạy” vào ngành công an thì sẽ “mất cả chì lẫn chài”.
Muốn vô ngành công an để phục vụ nên… “chạy”
Theo hồ sơ, Hoàng giới thiệu bản thân quen biết nhiều người giữ chức vụ cao trong ngành, có thể xin việc cho những người muốn vào biên chế và thi đậu vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân (CSND). Cựu trung tá công an cam kết nếu không thực hiện đúng lời hứa sẽ trả lại tiền.
Từ tháng 6-2015 đến tháng 8-2018, có tám người đưa tiền cho bị cáo để “chạy” cho người thân vào biên chế hoặc thi đậu vào Trường ĐH CSND. Số tiền mỗi người bị hại đưa cho Hoàng là 60-400 triệu đồng. Tổng cộng, Hoàng chiếm đoạt của tám người bị hại với số tiền 1,665 tỉ đồng. Hoàng sử dụng số tiền trên để tiêu xài cá nhân mà không thực hiện lời hứa với các bị hại.
Một trong những người bị hại vốn từng đi nghĩa vụ công an và được cho đi thi nhưng không đậu nên đã đưa tiền cho bị cáo để “chạy” vào ngành. Khi vị thẩm phán hỏi mục đích vào ngành làm gì, người này cho biết “muốn vô ngành phục vụ để có công việc và thu nhập ổn định”.
Trong các bị hại, có người mẹ mê ngành công an đến nỗi dù người con đã cảnh báo là phải thi tuyển mới vô được chứ tiền không “chạy” được nhưng bà vẫn lân la tìm hiểu và đưa tiền cho bị cáo để “chạy” cho con vào ngành.
Bị cáo cựu trung tá công an Huỳnh Thanh Hoàng tại tòa. Ảnh: NHẪN NAM
Giao dịch trái luật nên phải tịch thu sung công
Có một điểm khác biệt tại phiên tòa này so với nhiều phiên tòa xử án lừa đảo là VKS đề nghị tuyên tịch thu sung công quỹ số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại vì đây là giao dịch trái pháp luật.
Người bị hại đầu tiên được tòa hỏi có ý kiến gì về đề nghị của VKS hay không, người này nói không có ý kiến gì. Sau đó, tòa phải giải thích rõ rằng VKS đề nghị hai phần gồm hình phạt của bị cáo và về số tiền mà các bị hại đưa cho bị cáo…
Một người khác trong số các bị hại đứng lên nói xin tòa tuyên bị cáo trả lại cho mình số tiền đã đưa cho bị cáo. Bị hại TTS nói: “Nếu tòa tuyên tịch thu sung quỹ số tiền này thì oan ức cho chúng tôi lắm! Tiền đưa cho bị cáo là những gì chúng tôi gom góp từ vay mượn, thế chấp nhà cửa; giờ thì tiền mất, nhà cửa tiêu tan...”. Nói xong, bà S. ngồi vật xuống.
Có người bị hại đã đưa cho Hoàng số tiền hơn 400 triệu đồng. Sau khi nghe số tiền chạy việc cho con không thành mà còn bị tịch thu sung công thì chảy nước mắt.
Một bị hại phát biểu ý kiến rằng: “Mấy trăm triệu, cả đời chúng tôi không làm được. Các bị hại ở đây đều là dân lao động, thiếu hiểu biết, thấy Hoàng nói giờ xin việc ngành gì cũng phải mất tiền…”.
Đáp lại, kiểm sát viên cho rằng ngay từ đầu những người bị hại đã tìm đến bị cáo để thực hiện giao dịch mà pháp luật không thừa nhận. Giấy nhận tiền đều ghi là vay mượn. Những bị hại hoặc người thân bị hại vì yêu thích ngành công an nên sẵn sàng thực hiện giao dịch không đúng pháp luật. Người bị hại cho rằng số tiền đưa cho bị cáo để “chạy” việc là hợp pháp và yêu cầu trả lại là không đúng. Đây là giao dịch không đúng pháp luật nên cần tịch thu sung công quỹ số tiền trên.
Chỗ làm không có, tiền thì mất toi
Sau đó, vị chủ tọa giải thích thêm: Ngành công an hay bất kỳ ngành nào khi tuyển sinh hay tuyển dụng đều kèm theo nhiều điều kiện. Nếu dùng tiền để được tuyển vào bất kỳ ngành nào sẽ tác động xấu đến công tác tuyển sinh, tuyển dụng của ngành đó.
Đồng thời, vị chủ tọa cũng nhắc rằng các bị hại sẵn sàng bằng nhiều cách để có nguồn tiền đưa cho bị cáo mà không trực tiếp đến nơi mình cần vào làm để tìm hiểu điều kiện để được tuyển vào như thế nào. Nếu bị cáo thực sự có tác động để các bị hại hoặc người thân bị hại được tuyển dụng vào ngành thì bị cáo là người môi giới hối lộ, người nhận tiền để “lo” việc là người nhận hối lộ, còn người bị hại là người đưa hối lộ. Nếu vậy, cả bị cáo và người bị hại cùng người nhận tiền (nếu có) cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật về tội đưa, nhận và môi giới hối lộ…
Cuối cùng, sau khi nghe tòa tuyên án tịch thu 1,6 tỉ đồng từ bị cáo để sung công quỹ, có người dự tòa thốt lên “quá xót xa!”. Bởi số tiền họ đưa cho bị cáo không chỉ là mồ hôi, nước mắt chắt bóp được mà như bà S. nói, đó còn là tiền vay mượn, thế chấp nhà cửa. Giờ thì đúng là “nhà cửa cũng tiêu tan”. Tất cả cũng chỉ vì mong muốn có được một chỗ làm, một cái nghề mà mình không đủ điều kiện tuyển dụng… Chung quy cũng từ lòng tham mà ra!
Cựu trung tá công an bị phạt 13 năm tù Sau khi nghị án, HĐXX nhận định số tiền bị cáo chiếm đoạt là lớn. Hành vi của bị cáo là xâm phạm quyền sở hữu về tài sản của người khác, gây ảnh hưởng uy tín ngành công an, gây mất an ninh trật tự nên cần xử phạt nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung. Từ đó tòa tuyên phạt bị cáo 13 năm tù, buộc bị cáo bồi thường số tiền hơn 1,6 tỉ đồng nhưng tịch thu sung công quỹ số tiền này vì đây là lừa dối trong giao dịch trái pháp luật. |