Chế tài nào cho hành vi đe dọa, cản trở nhà báo?

Sở dĩ bức xúc vì mới cách đây năm ngày, hai PV của kênh VTC14 và An Ninh Thủ Đô đang tác nghiệp tại Hà Nội bị một đối tượng sấn sổ tới nắm cổ áo, giật máy quay và đe dọa. Trước đó chưa đầy tháng là các vụ việc còng tay PV báo Công Lý tại An Giang, đe dọa PV báo Pháp Luật Việt Nam tại TP.HCM, chém PV báo Nông Nghiệp Việt Nam tại Nghệ An...

Còn nhớ hồi đầu năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị định 02 tăng mức phạt với hành vi cản trở, hành hung nhà báo lên mức 30 triệu đồng, nhiều PV đã mừng thầm, xem đó là thái độ nghiêm khắc cần thiết nhằm răn đe những kẻ cản trở quyền hành nghề của nhà báo. Thế nhưng kể từ khi Nghị định 02 có hiệu lực (26-2) đến nay, thanh tra thông tin và truyền thông các cấp vẫn chưa xử phạt được trường hợp nào về hành vi này. Điều này cũng từng xảy ra với Nghị định 56/2006 vì cả thời gian năm năm có hiệu lực, chưa có ai bị xử phạt về việc cản trở nhà báo hành nghề.

Tạo ra con số 0 này có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể, về khách quan là đến nay khái niệm “cản trở nhà báo hành nghề” vẫn chưa được làm rõ trong luật. Người thì bảo chỉ cần ngăn cản nhà báo chụp ảnh, ghi âm đã là cản trở; người lại nói phải có hành vi thu giữ phương tiện, giữ người, thậm chí tấn công nhà báo thì mới đủ yếu tố cấu thành... Còn về chủ quan, đa số các nạn nhân (là nhà báo) vẫn chỉ tìm đến công an để đề nghị điều tra, trong khi muốn khởi tố thì phải có kết quả giám định thương tật. Thực tế các vụ cản trở, đe dọa nói chung chỉ nhằm mục đích ngăn chặn việc tác nghiệp của nhà báo nên số vụ xử lý được bằng hình sự cực kỳ hiếm hoi. Chính vì thế, các vụ cản trở vẫn diễn ra mà không được xử lý rốt ráo.

Cuộc khảo sát trên báo Pháp Luật TP.HCM onlineđang thực hiện (từ 16-6) cho thấy có đến 62% bạn đọc yêu cầu nhà báo phải tự trang bị kỹ năng tự vệ khi hành nghề; 30% yêu cầu cơ quan quản lý báo chí nâng cao trách nhiệm; 29% yêu cầu cơ quan công an nâng cao trách nhiệm. Đặc biệt, 44% bạn đọc đề nghị làm rõ tính khả thi của chế tài hành chính và có tới 51% đề nghị thiết kế thêm tội “cản trở nhà báo” trong Bộ luật Hình sự.

Những số liệu này có thể gợi ý giải pháp bảo vệ nhà báo căn cơ hơn.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm