Đầu giờ chiều nay (21-6), giá vàng miếng SJC được NHNN bán ra cho bốn ngân hàng thương mại và Công ty SJC ở mức 75,98 triệu đồng/lượng.
Theo đó, giá bán ra cho người dân tại những doanh nghiệp này tiếp tục “đóng băng” ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Hôm nay là ngày thứ 12 liên tiếp, giá vàng miếng SJC đứng im bất động trên thị trường chính thức. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC trên thị trường tự do lại biến động mạnh.
Trong khi giá vàng miếng tại nhóm ngân hàng Big 4 và Công ty SJC niêm yết ở mức 76,98 triệu đồng/lượng thì trên thị trường tự do sẵn sàng mua lại ngay với giá 81,05 triệu đồng/lượng.
Tức là, mỗi ngày, một người chỉ cần mua được 1 lượng vàng miếng SJC theo giá bình ổn sẽ có ngay cơ hội kiếm lời 4 triệu đồng. So với tuần trước, lợi nhuận từ việc mua vàng giá bình ổn rồi bán lại trên thị trường tự do đã tăng thêm 1 triệu đồng.
Một điểm khác thường nữa trên thị trường vàng trong nước đó là giá vàng nhẫn đang bám sát với giá vàng miếng SJC. Hiện mỗi lượng vàng nhẫn 9999 tại Công ty SJC niêm yết ở mức 75,8 triệu đồng/lượng, Công ty vàng bạc Phú Nhuận là 76,1 triệu đồng/lượng, Bảo Tín Minh Châu đẩy lên tới 76,28 triệu đồng/lượng…
Như vậy, mỗi lượng vàng miếng SJC chỉ đắt hơn vàng nhẫn 9999 từ 700.000 - 1.200.000 đồng. Đây là khoảng cách chênh lệch thấp chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay ở mức 2.356 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng “ngoại” tương đương 72,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 4,7 triệu đồng so với vàng miếng SJC.
Sức hấp dẫn của vàng trên thị trường hàng hóa toàn cầu đang tăng lên do các ngân hàng trung ương mua kim loại quý này với tốc độ tăng cao chưa từng thấy.
Trong báo cáo mới nhất do Hội đồng vàng thế giới vừa công bố cho thấy, trong năm 2023, các ngân hàng trung ương đã bổ sung thêm 1.037 tấn vàng - mức mua hàng năm cao thứ hai trong lịch sử - sau mức cao kỷ lục 1.082 tấn vào năm 2022.
Khảo sát về Dự trữ vàng do Ngân hàng Trung ương (CBGR) năm 2024 thu thập ý kiến của 70 ngân hàng trung ương trên thế giới cho thấy có tới 29% ngân hàng khẳng định họ vẫn tiếp tục tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới. Đây là mức quan tâm đến vàng cao nhất mà Hội đồng vàng thế giới ghi nhận trong 4 năm qua.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết những bất ổn kinh tế, cũng như biến động địa chính trị trên thế giới đã và đang khiến vàng trở thành loại tài sản được các ngân hàng trung ương đặc biệt quan tâm. Các tổ chức này tăng dự trữ vàng như một cách để quản lý rủi ro và đa dạng hóa danh mục đầu tư.