Chỉ 1 ngày, hơn trăm đứa trẻ mất cha...

Hai hôm trước, khi áp thấp nhiệt đới đang hình thành trên biển Đông thì Quảng - một ngư dân ở Phước Thể, Tuy Phong (Bình Thuận) mời tôi ra chơi, sẵn tiện ăn giỗ tập thể 37 người anh em của Quảng đã bỏ mạng trong cơn bão tháng 10-1983.

34 năm đã qua nhưng khi kể về cơn bão khủng khiếp năm đó giọng Quảng vẫn như lạc đi: “Phước Thể chỉ là một xã nhỏ mà đã có 37 người chết. Còn ở Phan Rí Cửa, số người chết lên đến cả trăm”.

Còn nhớ, hơn chục năm trước, một người bạn làm bên tuyển quân nghĩa vụ quân sự sau khi đi công tác ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận về gặp tôi rơm rớm nước mắt. Anh nói đó là chuyến công tác không thể nào quên với quá nhiều cảm xúc.

Làng chài Phước Thể

Lật lý lịch của cả trăm thanh niên ở Phan Rí Cửa, Liên Hương, Phước Thể… cả đoàn công tác đều ngạc nhiên và đau xót khi họ đều mồ côi cha và điều đặc biệt là những người cha đều mất cùng ngày 17-10-1983 (12-9 năm Quý Hợi). Gần như những thanh niên này đều chưa biết mặt cha mình và hầu hết những người cha đều chết mất xác. Những người cha đi biển đã mãi mãi không về do cơn bão khủng khiếp năm đó, cả trăm người đã chết, đã bỏ con mình mà đi.

Theo Địa chí Phan Rí Cửa (trang 171): “Vào lúc 4 giờ sáng 17-10-1983 (12-9 năm Quý Hợi), một cơn gió cấp 7 theo hướng Đông thổi từ biển vào đất liền, mọi người lấy làm lạ, gió mỗi lúc mạnh dần lên từ cấp 7, cấp 8 lên cấp 9, cấp 10, sóng biển đập vào bờ dữ đội một lúc rồi yên.

Mọi người cảm thấy bớt lo lắng. Nhưng đến 5 giờ sáng, gió lại mạnh lên từ hướng Bắc rồi hướng Tây lên cấp 9, cấp 10 và cuối cùng là gió hướng Nam, trời đã hửng sáng, mây kéo nhau bay với tốc độ chưa từng thấy. Người lớn tuổi có kinh nghiệm biết rằng đó là bão đến. Gió giật đến cấp 12, 13. Đến 9 giờ sáng, xe loa phát thanh của thị trấn thông báo Phan Rí Cửa vừa hứng trọn cơn bão số 9 (lúc bấy giờ là sáng thứ Hai, trước đó ngày thứ Bảy và Chủ nhật không có đài báo tin gì về cơn bão này).

Trên sông có một tai nạn do hai cha con loay hoay nổ máy ghe lui vào tìm chỗ giam, người con rơi xuống sông bị chân vịt chém chết. Vừa lúc đó, nhiều chiếc ở ngoài khơi chạy về bến báo có rất nhiều ghe thuyền bị chìm và số lao động mất tích là rất lớn (mỗi ghe thuyền trung bình có 10 lao động). Hàng trăm chiếc ghe không thấy về nữa, số lao động trên các ghe thuyền này được vớt với tỉ lệ 70%.

Số bị chết đa số không biết lội. Ghe thuyền chìm đa số là ở ven bờ chịu tác động sóng đá gà (sóng vào bờ chưa rút ra thì gió thói đợt sóng lớn khác phủ lên) nhấn chìm ghe thuyền công suất dưới 22 CV (không có thống kê cụ thể).

Nhiều nhà xây, trường học, xí nghiệp bị sập. Mấy trăm căn nhà tạm ở ven biển từ Hải Tân đến Minh Tân bị thổi bay như lá. Hệ thống đài truyền thanh bị hỏng toàn hộ. Nhà có lao động chết bão hoặc có ghe thuyền bị chìm hay mất tích hơn cả trăm. Số nhà nghèo ven biển không tiền mua tranh tre nứa để che lại căn nhà bị bão thổi rách là cả ngàn.

Trong hoàn cảnh khó khăn, một phong trào “lá lành đùm lá rách” được phát động ở nhiều tỉnh, thành phố bằng cách gởi tiền, hàng đến Phan Rí Cửa cứu trợ nạn nhân cơn bão. Cảm động nhất là anh em nhân công vệ sinh chợ như ông Di, ông Huế vào tổ tẩm liệm người chết biển chưa có thân nhân nhìn mặt. Những thi thể dưới biển nhiều ngày đã thối rữa được đưa đi an táng chu đáo. Phan Rí Cửa trong những ngày ấy sống trong nỗi tang thương, mất mát…”.

Hai hôm trước, những người dân ở Phan Rí Cửa, Liên Hương, Phước Thể cùng tổ chức một ngày giỗ tưởng nhớ những người thân xấu số trong cơn bão này. Và hôm nay, cả miền Nam đang chuẩn bị chống chọi với bão.

Bão ơi, thôi đừng thổi nữa!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm