Tại TP.HCM, triều cường có thể lên tới 1,67 m, 1,68 m trong ba ngày tới. Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, nếu kịch bản bão đổi hướng đi về phía Nam sẽ gây nguy hiểm vì tính chất cơn bão này di chuyển nhanh, điều kiện động nhiệt lực vẫn làm cho bão duy trì cường độ cấp 9-10, giật cấp 11.
“Không được chủ quan, 1% cũng phải lo” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Sáng nay (2-11), UBND TP.HCM tổ chức họp khẩn triển khai các phương án, biện pháp phòng tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông. Cuộc họp do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chủ trì.
Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trên biển đang có hai cơn áp thấp nhiệt đới: áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông. Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12, có tên quốc tế là Damrey.
Hiện tại dự báo hướng đi của bão số 12 tập trung ở Nam Trung bộ, tuy nhiên không thể loại trừ khả năng bão đổi hướng.
Theo lãnh đạo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, không khí lạnh mạnh sẽ làm cong đường đi ban đầu của bão chếch xuống phía Nam. Hoàn lưu bão ảnh hưởng trên phạm vi rộng, kết hợp không khí lạnh tăng cường sẽ làm cho các tỉnh miền Đông, TP.HCM mưa tăng từ ngày 3 và 4-11.
Bão duy trì cấp gió cao nhất là cấp 11, nơi chịu gió mạnh nhất là Khánh Hòa đến Ninh Thuận.
Mức nước triều ở các trạm vùng cửa sông Nam bộ sẽ lên nhanh trong những ngày tới. Đỉnh triều cao nhất trong đợt này xuất hiện vào các ngày 6 và 7-11 (ngày 18 và 19-9 âm lịch).
Hướng đi của cơn bão số 12, có tên quốc tế là Damrey. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, chỉ đạo không được chủ quan, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó với mọi tình huống, sử dụng tất cả phương tiện truyền thông để thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển, tốc độ kêu gọi tàu thuyền thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Các quận/huyện ven sông Sài Gòn (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè), khu vực có bờ bao, đê bao ven sông, vùng thấp trũng như: quận Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn tổ chức rà soát tại các khu vực trọng điểm vào thời điểm mưa lớn và mức nước triều dâng cao cho đến khi hết đợt triều cường, mưa, bão.
Chủ động phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị kinh phí, vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải cát…) túc trực tại những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn, bể bờ bao để kịp thời xử lý ngay từ đầu. Cần chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời dân đến các điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
“Không được chủ quan, 1% cũng phải lo. Sạt lở bờ sông, di dời dân… các quận huyện phải chủ động hoàn toàn, không được chủ quan, lơ là” - ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Ngày 1-11, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện về việc ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Họp khẩn áp thấp nhiệt đới, nhiều lãnh đạo quận/huyện đi trễ 8 giờ sáng 2-11, buổi họp bắt đầu nhưng khi điểm danh, nhiều lãnh đạo quận/huyện vắng mặt: quận 2, quận 3, quận 5…
Khẳng định tính cấp thiết của cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm liên tục điểm danh. “Tôi không khó khăn gì việc vắng họp. Quận nào không có lãnh đạo đi họp thì bí thư, chủ tịch quận đó phải chịu trách nhiệm. Các đồng chí thấy đường bão đi biết rồi” - ông Lê Thanh Liêm nói. |