VỤ “NHẬU XONG ĐI TÈ, BỊ QUY TỘI CƯỚP”

Chỉ là vụ cướp tưởng tượng?!

Trên số báo hôm qua (21-11), chúng tôi đã thông tin về vụ án cướp tài sản mà TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) vừa xét xử ngày 19-11 nhưng chưa tuyên án. Hai bị cáo Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ bị quy tội cướp tài sản nhưng vụ cướp chưa xảy ra, người bị hại cũng chỉ mới nhác thấy bóng hai bị cáo trong đêm, “đoán là cướp” nên quay xe chạy đến chốt dân phòng báo tin. Vậy mà ngay sau đó, hai bị cáo vẫn bị truy bắt và bị lập biên bản phạm tội quả tang rồi bị truy tố.

Để soi rọi thêm, phóng viên đã tìm gặp những người biết chuyện, trong đó có người bị hại.

“Chắc tụi nó đi tè”

Tại tòa, khi được cách ly, hai bị cáo này khai khá thống nhất, rằng tại cơ quan điều tra họ bị đánh nên sợ quá khai nhận tội. Tối đó, sau khi nhậu tại chỗ làm, Uống và hai người bạn nữa ra đường hóng mát và đi tè, sau đó họ bị một băng rượt đuổi và bắt về công an xã.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (quản lý cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nơi Uống và Sỹ làm thuê) kể: “Tối đó, ông Sáu là người giao ca cho tụi nó lúc 10 giờ. Tụi nó nhậu chút rồi Uống, Đen, Sệt đi ra ngoài, chắc tụi nó đi đái hay đi mua đồ ăn đêm gì đó. Khi Sỹ ra ngoài kêu đứa kia vô để ra lò (làm việc) thì ông Sáu cũng ra theo. Ông Sáu đi sau Sỹ một đoạn ngắn thì bất ngờ thấy phía trước đám đông la ó “Bắt nó! Bắt nó!”. Rồi tiếng rượt đuổi ầm ầm. Ông sợ quá chui vào nhà luôn”.

Sau đó, bà Lệ biết Uống và Sỹ bị bắt. Còn Ong Văn Sệt và Trần Văn Đen, hai người làm chung và nhậu chung với hai bị cáo đêm đó, đã bỏ về quê ở Sóc Trăng ngay sau đó.

Chỉ là vụ cướp tưởng tượng?! ảnh 1

Nơi bị cáo Uống và bạn nhậu xong ra hóng mát và tè (cách chỗ nhậu 50 m). Ảnh nhỏ: Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ: “Nhậu xong, tụi nó ra đường, chắc là đi tè”. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Theo bà Lệ, một tháng sau, ông Sáu cũng bỏ làm về quê nhưng bà không biết quê ông Sáu ở đâu.

Tuy nhiên, vẫn còn một người nữa tên S. nhậu cùng với hai bị cáo và Đen, Sệt đêm đó. Chính người này đã ngồi lại với Sỹ sau khi Uống và hai người bạn bỏ đi tè. Và cũng chính người này bảo Sỹ ra kêu Uống, Đen và Sệt vào làm việc…

“Mấy ảnh hướng dẫn em làm cho hợp lệ”

Chiều 21-11, phóng viên đã gặp Phan Thanh Quyền, người bị hại trong vụ án. Quyền kể tối đó Quyền chạy về nhà, cách khoảng 15 m, thấy hai bên đường có hai thanh niên cầm cây dài chừng 1,5 m. “Em pha đèn, chạy thêm chừng 7-8 m nữa, đoán là cướp nên quay đầu xe lại thì bị ném cây theo. Em chạy về chốt dân phòng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân kể lại câu chuyện. Rồi em chạy xe bật đèn sáng dẫn đường cho công an viên và dân phòng (chạy xe phía sau không bật đèn) quay lại vị trí ban nãy để bắt người. Xong em về trụ sở công an xã viết trình báo” - Quyền kể.

Vẫn theo lời kể của Quyền, sau đó công an xã lập biên bản giữ xe và ngày hôm sau thì làm biên bản trả xe lại cho Quyền. “Em có công bắt cướp, không được khen thưởng gì ráo mà còn phải đi tới đi lui khai báo, ảnh hưởng đến công việc làm ăn” - Quyền nói.

“Vì sao trong bản trình báo ban đầu, em không nêu chi tiết hai bị cáo ném cây theo nhưng trong bản khai hôm sau lại có chi tiết này?”. “Do lúc đầu em khai vắn tắt, sau đó mấy ảnh hướng dẫn em làm nên em làm theo hướng dẫn sao cho hợp lệ”.

Quyền hồn nhiên kể thêm: “Tối đó, em có chở bạn gái ngồi sau. Khi thấy em quay xe lại, bạn gái em nói “Chỉ là người đi đường thôi mà””.

“Thầy tưởng là ma, thầy ù thầy chạy”

Lời kể của anh Quyền, người bị hại trong vụ án khiến ta liên tưởng đến câu: “Đom đóm bay qua, thầy tưởng là ma, thầy ù thầy chạy”. Nhưng cái sự bỏ chạy của Quyền sau đó đã khiến hai người nên tù nên tội.

TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, nói hai bị cáo chưa dùng vũ lực, cũng chưa đe dọa dùng vũ lực, chưa thực hiện bất kỳ hành vi khách quan nào. Mọi hành vi chỉ do người bị hại đoán, tức chỉ tưởng tượng.

Theo tôi, anh Quyền chưa chắc là bị hại. Bởi anh chỉ đoán có sự việc cướp, mà việc đoán thì có thể nhầm lẫn. Không thể sử dụng lời khai tưởng tượng kiểu như tôi đoán… để buộc tội.

Tại tòa, hai bị cáo đồng loạt cho rằng lời khai nhận tội trước đó là do bị đánh và sợ hãi. Nguyên tắc là không được sử dụng lời khai làm chứng cứ duy nhất để buộc tội. Tôi nhận thấy với những chứng cứ hiện có chỉ là hai nguồn lời khai thì không đủ cơ sở để buộc tội.

Đặc điểm của chứng cứ là phải khách quan, liên quan và hợp pháp. Tòa sử dụng phương pháp cách ly trong phần thẩm vấn nhằm tránh việc thông cung giữa các bị cáo để xác định sự thật. Và rõ ràng lời khai của hai bị cáo rất thống nhất với nhau nên rất đáng để tin cậy, có thể sử dụng làm chứng cứ.

Cách ly mà khai rất khớp

Về nguyên tắc, kể từ khi bị bắt, hai bị cáo đã được cách ly nhau, không thể có điều kiện để bàn bạc, thông cung. Khi ra tòa, cả hai được tòa cách ly khi xét hỏi. Đây là biện pháp nghiệp vụ để tòa xem xét việc khai của hai bị cáo có thống nhất hay không. Và diễn biến phiên tòa cho thấy lời khai của hai bị cáo dù đã cách ly vẫn thống nhất và phù hợp nhau chuyện không hề bàn bạc đi cướp, không có chuyện cầm cây đe dọa cướp xe. Đó là chưa nói, bị hại khai các bị cáo quăng cây theo nhưng cơ quan điều tra đã không tìm đâu ra mấy cái cây này để thu giữ làm vật chứng.

Luật sư LÊ CÔNG TOÀN, người bào chữa cho bị cáo Sỹ

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm