Chia sẻ hình ảnh trích xuất từ camera của người khác lên mạng xã hội có được không?

(PLO)- Việc cố tình quay lại các video, hình ảnh trích xuất từ camera về đời sống riêng tư, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội để bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của người khác là vi phạm pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi hiện nay đang sinh sống tại nhà trọ, tôi có hợp đồng thuê trọ được ký kết với chủ nhà trọ và có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

Trong quá trình sinh sống, tôi bị một cá nhân sống cùng xóm trọ cố tình quay lại các video về đời sống riêng tư của tôi từ camera an ninh của gia đình cá nhân đó (hành vi diễn ra nhiều lần), sau đó chia sẻ qua mạng xã hội Zalo cho các cá nhân khác nhằm bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của tôi.

Xin hỏi, hành vi trên của cá nhân đó có vi phạm pháp luật không và nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Bạn đọc Phạm Thuỳ Vân

hình ảnh trích xuất từ camera.jpeg

Bộ Công an trả lời: Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý... Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Việc hàng xóm cố tình quay lại các video về đời sống riêng tư của anh/chị, sau đó chia sẻ các hình ảnh đó nhằm mục đích bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của anh/chị thì hành vi đó đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và quyền hợp pháp đối với hình ảnh cá nhân của anh/chị.

Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi này gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý như sau:

Trường hợp hành vi này gây hậu quả không nghiêm trọng thì người vi phạm bị xử phạt hành chính theo Điểm g, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020. Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Trường hợp hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Tội làm nhục người khác hoặc Điều 156 Tội vu khống của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Với tội làm nhục người khác, người phạm tội có thể bị mức phạt cao nhất, phạt tù từ 2 - 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Với tội vu khống, mức phạt cao nhất phạt tù từ 3 - 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Như vậy, trong trường hợp này, anh/chị có thể làm đơn trình báo đến lực lượng chức năng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đồng thời, cân nhắc việc có ý kiến với chủ nhà trọ để đề nghị người kia lắp đặt góc quay của camera cho phù hợp, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm