Tuần qua, Chính phủ đã trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề nghị bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” đối với công chức.
Theo quy định hiện hành, “giáng chức” là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Sau khi bỏ hình thức kỷ luật trên, dự thảo quy định công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong năm hình thức kỷ luật, gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương; cách chức và buộc thôi việc.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nên giữ hình thức kỷ luật giáng chức, bởi đây là hình thức kỷ luật quan trọng, có giá trị răn đe lớn.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết nhiều ý kiến trong Ủy ban này cũng đề nghị tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức” trong Luật.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân sau đó lý giải, bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” bởi trong quy định của Đảng không có hình thức này. “Nếu giáng chức là từ cấp trưởng xuống cấp phó, người vi phạm còn giữ lại được cấp phó, nhưng cách chức là cắt gọn hết”- ông Tân nói và giải thích thêm: Nếu người vi phạm đã bị cách chức thì sẽ được phân công lại công việc theo vị trí như một người công chức bình thường, không thể phân công lại để làm cấp phó hay cấp trưởng.
Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết ông ghi nhận các ý kiến trên. Quá trình thảo luận ở Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu theo đa số ý kiến việc có nên giữ hình thức “giáng chức” không.
Một quy định đáng chú ý khác, theo dự thảo Luật, thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được sửa đổi nâng từ 24 tháng lên 60 tháng, được tính kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Hết thời hạn đó, cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định, đối với các hành vi “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật. Các hành vi này được liệt kê, gồm: vi phạm kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả, không hợp pháp.
Ông Nguyễn Khắc Định cho hay Ủy ban Pháp luật tán thành cần thiết kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, theo ông, đây là nội dung quan trọng cần phải được cân nhắc, đánh giá kỹ, có lộ trình hợp lý. “Đề nghị nghiên cứu có thể kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật theo hướng quy định thành các loại thời hiệu khác nhau cho các trường hợp khác nhau. Thời hiệu xử lý kỷ luật có thể 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng, 60 tháng... phù hợp với tính chất từng nhóm hành vi vi phạm”- ông Định nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các trường hợp được coi là hành vi “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” bởi nó sẽ gắn với cả đời, cho tới khi người ta chết. “Không thể cứ đụng vào an ninh quốc gia, quốc phòng thì xử lý vô thời hạn mà phải có hành vi rõ ràng. Nếu không phải có hướng dẫn để tránh trường hợp đặt con người ta đến chết vẫn có thể bị xử lý kỷ luật”- bà Nga đề nghị.