Ngoài ra, Kiev còn đang mở rộng một cuộc điều tra nhắm vào hơn 1000 quân nhân đào ngũ trong lực lượng chính quy.
Bại trận do chỉ huy đào ngũ?
“Việc thất thủ ở Ilovaysk là do các chỉ huy đã đào ngũ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các binh lính”, ông Poroshenko phát biểu trong buổi khai mạc cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Ukraine.
Ông nhấn mạnh chính phủ sẽ có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn bất kỳ sự phản bội hoặc đào ngũ.
Thị trấn chiến lược Ilovaysk đã bị quân ly khai giành lấy sau nhiều ngày giao tranh. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, hôm thứ 5 (28-8) quân đội đã tái chiếm được thị trấn này.
Một quân nhân Ukraine mệt mỏi bên vũ khí (Ảnh: AFP)
Mặc dù vậy, thất bại của quân chính phủ khiến người dân thất vọng, đẩy đến việc nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình đòi tổng thống Poroshenko và chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine từ chức.
Trong khi đó ở Donetsk và Luhansk, lực lượng ly khai đang giành lại thế thượng phong. Tổng thống Poroshenko cho rằng tình hình "cực kỳ phức tạp ... nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, chúng tôi không hoảng sợ."
Kiev cố tình che giấu thiệt hại?
Chính quyền Kiev đang mở một cuộc điều tra 1083 trường hợp quân nhân đào ngũ. Các quân nhân này bị cáo buộc các tội danh bất tuân lệnh, đào ngũ, bỏ về trái phép, trốn tránh nghĩa vụ quân sự và các tội liên quan. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp binh lính buông súng đầu hàng phe ly khai.
Quân chính phủ Ukraine tại Ilovaysk (Ảnh: Reuters)
Theo nguồn tin từ quân nổi dậy, tính đến thời điểm này đã có hơn 200 lính Ukraine đầu hàng và thực sự truyền thông Ukraine đang đưa tin sai lệch, giảm nhẹ đáng kể thương vong của quân chính phủ ở miền Đông.
"Khoảng 70 binh sĩ chết mỗi ngày nhưng họ chỉ nói có 3 đến 4 người”, một phiến quân nói.
Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine Andrey Lysenko, ít nhất 722 quân nhân đã thiệt mạng và 2.625 người khác bị thương trong chến dịch “chống khủng bố”. Nhưng người ta tin rằng con số thực còn lớn hơn rất nhiều.
Binh lính chính phủ bị bỏ rơi?
Người phụ nữ Ukraine đang chất vấn đại diện quân đội trong đoạn Video (Ảnh: RT)
Trong khi đó, những thân nhân của các binh lính bắt đầu phản đối hoạt động của chính phủ vì cho rằng người thân của họ đã bị bỏ rơi giữa chiến trường.
“Tôi không cần con tôi trở thành người hùng nằm trong quan tài, tôi cần người hùng của tôi ở nhà và còn sống”, một người phụ nữ trong đoàn biểu tình gào lên giận dữ .
Nhiều cuộc biểu tình của người dân đã diễn ra ở các thành phố lớn phía tây Ukraine như Ivano-Frankovsk, Nikolaev, Lvov và Zhitomir.
Bắt đầu xuất hiện tâm lý bất mãn trong quân đội. Một người lính nói: "Chúng tôi trải qua hai ngày chờ quân tiếp viện ở Saur-Mogila nhưng không có. Đến khi chúng tôi thoát khỏi vòng vây, điều duy nhất họ nói là “mừng anh còn sống””.
Tuy nhiên, tất cả những thông tin này chỉ mang tính một chiều và chưa được kiểm chứng. Về phía mình, chính phủ Ukraine hoàn toàn phủ nhận những cáo buộc trên.
Thời gian gần đây, chính phủ của ông Poroshenko đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì sự thiếu minh bạch của mình. Trong khi Kiev liên tục cáo buộc trước cộng đồng quốc tế về sự hiện diện của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine, song chính họ lại không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào.