Chính thức hoàn thành giai đoạn 1 công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc

Chính thức hoàn thành giai đoạn 1 công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc

(PLO)- Đây là công trình đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220kV dài nhất khu vực Đông Nam Á, được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, có tổng mức đầu tư trên 2.221 tỉ đồng.

Sáng 14-10, tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tổ chức Lễ đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV giai đoạn 1, công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình- Phú Quốc.

Công trình Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc. Ảnh: EVNSPC.

Công trình Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc. Ảnh: EVNSPC.

Đây là công trình đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220kV dài nhất khu vực Đông Nam Á, được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, có tổng mức đầu tư trên 2.221 tỉ đồng.

Quy mô công trình gồm hai mạch có tổng chiều dài 80,4 km, 169 vị trí cột. Trong đó đoạn trên bờ thuộc huyện Kiên Lương dài 12,8 km với 39 vị trí cột; đoạn trên biển dài 64,7 km với 117 vị trí cột.

Đoạn trên đảo Phú Quốc dài 2,9 km với 13 vị trí cột, với thiết kế cột tháp sắt hai mạch trên không mạ và sơn chống muối biển, tiết diện dây dẫn phân pha 2xAACKP-400/95.

Công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc có tổng mức đầu tư trên 2.221 tỉ đồng. Ảnh: EVNSPC.

Công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc có tổng mức đầu tư trên 2.221 tỉ đồng. Ảnh: EVNSPC.

Phần trên biển có 117 vị trí cột, móng trụ được thiết kế với hệ cọc bê tông li tâm dự ứng lực, đúc sẵn chống nhiễm mặn, đóng tại chỗ, đường kính D700-800.

Chiều dài giữa các khoảng cột trung bình 560 m, chiều cao cột 55-87 m, đường dây đảm bảo tĩnh không hàng hải và trang bị hệ thống cảnh báo an toàn hàng không đầy đủ theo quy định.

Đồng bộ với công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc giai đoạn 1, vận hành ở cấp điện áp 110kV còn có: Công trình Trạm biến áp 110kV Nam Phú Quốc, công suất thiết kế là hai máy x 63MVA, giai đoạn đầu lắp 1 máy 63MVA và phần đường dây đấu nối hai mạch.

Chính thức đóng điện công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình- Phú Quốc. Ảnh: EVNSPC.

Chính thức đóng điện công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình- Phú Quốc. Ảnh: EVNSPC.

Dự án này vượt qua nhiều khó khăn và đến nay đã về đích. Ảnh: EVNSPC.

Dự án này vượt qua nhiều khó khăn và đến nay đã về đích. Ảnh: EVNSPC.

Bên cạnh đó còn có năm vị trí cột, đấu nối từ vị trí tiếp bờ của đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc với Trạm biến áp 110kV Nam Phú Quốc.

Trước đó, năm 2014, lưới Quốc gia được đưa ra cấp điện cho Đảo Ngọc Phú Quốc, bằng đường cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc dài nhất Đông Nam Á.

Từ khi có lưới điện quốc gia, nhu cầu, tốc độ phụ tải trên đảo tăng nhanh đột biến, chỉ sau hai năm vận hành, công suất phụ tải tăng hơn hai lần so với trước đó và đạt 16MW.

Cộng với số liệu thống kê, khảo sát mức đăng ký nhu cầu phụ tải điện trên địa bàn, dự báo đến năm 2020 lên công suất yêu cầu khoảng 250MW. Trong khi đó nguồn cấp điện toàn bộ “đảo ngọc” qua đường cáp ngầm xuyên biển 110kV độc đạo, chỉ đáp ứng tối đa 131MW.

Công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình- Phú Quốc đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: EVNSPC.

Công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình- Phú Quốc đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: EVNSPC.

Nhận thấy rõ nguy cơ và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên từ đầu năm 2016, EVNSPC đã báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án lưới điện 220kV cấp điện cho đảo Phú Quốc.

Tháng 1-2018, EVN đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi công trình Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc.

Ngay sau đó, EVNSPC đã khẩn trương triển khai, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 5-2018, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công vào tháng 10-2018 và tổ chức khởi công công trình từ tháng 3-2019.

Quá trình triển khai thi công công trình gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết phức tạp khi thi công trên môi trường biển, thường xuyên mưa bão, dịch bệnh nên việc điều động máy móc, nhân lực thi công, vật tư - thiết bị gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, giá cả nguyên nguyên nhiên vật liệu biến động, cộng với địa hình địa chất phía đảo Phú Quốc rất phức tạp nên công tác giải phóng mặt bằng phía 2 bờ Kiên Lương và Phú Quốc gặp rất nhiều khó khăn, làm tác động đến mục tiêu, tiến độ của công trình, dự án.

Công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình- Phú Quốc đã góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục với chất lượng và độ tin cậy cao cho thành phố đảo. Ảnh: EVNSPC.

Công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình- Phú Quốc đã góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục với chất lượng và độ tin cậy cao cho thành phố đảo. Ảnh: EVNSPC.

EVNSPC cho biết việc hoàn thành công trình đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV đã kịp thời sang tải cho đường cáp ngầm 110kV hiện hữu hiện đang vận hành ở mức tải dần tăng cao, khi công suất phụ tải đỉnh có lúc tăng lên đến 103 MW. Từ đó, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục với chất lượng và độ tin cậy cao cho thành phố đảo.

Giai đoạn tiếp theo, EVNSPC đã và đang triển khai các công trình đồng bộ cấp điện áp 22kV-110kV-220kV. Bao gồm: Dự án tái cấu trúc lưới điện Phú Quốc vay vốn KfW (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức); hoàn thành phần còn lại của đường dây 110kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc, trạm ngắt 110kV Phú Quốc; Đường dây 110kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc,...

EVNSPC mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các cấp lãnh đạo để đơn vị sớm hoàn thành các hạng mục công trình còn lại.

Trước đó, tháng 2-2014, đã đánh dấu bước ngoặt của ngành điện Việt Nam khi nguồn điện lưới Quốc gia được đưa ra cấp điện cho Đảo Ngọc Phú Quốc bằng đường cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc dài nhất Đông Nam Á.
Đường cáp này đã thay thế hoàn toàn nguồn điện diesel tại chỗ, tạo cú hích thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch và kinh tế biển... Theo đó, nhu cầu phụ tải sử dụng điện trên đảo liên tục tăng nhanh với mức tăng trưởng bình quân trên 35%/năm.

Đọc thêm