Ngày 20-3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.
Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ ngày 20-3-2019 là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Mức giá này cao hơn giá bán lẻ bình quân hiện hành là 143,79 đồng/kWh, tăng tương đương 8,36%. Giá điện sinh hoạt cao nhất gần 3.000 đồng/kWh.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng ban hành bảng giá bán điện cho các nhóm khách hàng. Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm sáu bậc, theo cách tính lũy tiến, bậc cao nhất có giá 2.927 đồng/kWh, thấp nhất 1.678 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng cho công tơ thẻ trả trước là 2.461 đồng/kWh.
Tại cuộc họp báo chiều 20-3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết với việc tăng giá điện như trên, mỗi tháng người dân sẽ phải trả thêm 7.000-77.000 đồng tiền điện.
Hằng tháng mỗi hộ tiêu thụ điện sinh hoạt sẽ phải trả thêm từ khoảng 7.000 đồng đến hơn 77.000 đồng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo đó, khách hàng sử dụng dưới 50 kWh/tháng sẽ phải trả thêm hơn 7.000 đồng/tháng, 100 kWh là hơn 14.000 đồng/tháng, 200 kWh là gần 32.000 đồng, 300 kWh là hơn 53.000 đồng, 400 kWh là hơn 77.000 đồng.
Hiện cả nước có 25 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, trong đó lượng hộ sử dụng điện trên 300 kWh/tháng chỉ chiếm 15% và trên 400 kWh/tháng gần 8%. Với các hộ dùng điện cho kinh doanh, bình quân mỗi khách hàng phải trả thêm 500.000 đồng…
Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Cụ thể, với giá điện tăng 8,36%, theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3%-3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
“Các phương án giá điện đã được báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại cuộc họp Thường trực Chính phủ” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, một số yếu tố đầu vào tăng giá khiến áp lực phải tăng giá điện trong năm nay. Theo đó, giá than đã tăng 2,6%-2,7% khiến chi phí phát điện tăng thêm trên 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, từ ngày 20-3, toàn bộ khí bán cho các nhà máy điện thực hiện theo giá thị trường. Ước tính chi phí sản xuất điện tăng 5.800 tỉ đồng. EVN vẫn còn một khoản chênh lệch tỉ giá phải phân bổ dần vào giá điện trong giai đoạn 2016-2020.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho hay với việc giá điện được tăng từ ngày 20-3, EVN sẽ thu về 20.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, EVN phải phân bổ số tiền này vào các chi phí giá thành như chi phí giá than 7.000 tỉ đồng, chênh lệch giá khí hơn 6.000 tỉ đồng, chênh lệch tỉ giá 3.800 tỉ đồng,… Tổng cộng EVN phải chi ra hơn 21.000 tỉ đồng.