Với mục tiêu lấy khoa học và công nghệ làm công cụ để giải quyết những vấn đề mà TP đang đối diện, đặc biệt tập trung giải quyết bảy chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ TP.HCM đã thông qua. Thành ủy và UBND TP.HCM đặc biệt quan tâm chỉ đạo tập trung, thúc đẩy việc triển khai “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020”. Trong đó, các chương trình và đề án phát triển hệ thống vi cơ điện tử (MEMS) được đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, trực tiếp chỉ đạo và giao cho Ban quản lý Khu công nghệ cao làm đầu mối triển khai thực hiện “Diễn đàn MEMS/Sensor”.
Hoạt động chủ yếu của diễn đàn: Thành lập ban điều hành; tổ chức hội nghị quốc tế để xác định thách thức và những vấn đề cần để giúp phát triển công nghiệp MEMS cho TP; tổ chức nghiên cứu về thị trường MEMS quốc tế nhằm đề xuất chính sách phát triển công nghiệp MEMS cho TP; tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sản phẩm MEMS mới để kêu gọi đầu tư; kết nối đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học về MEMS.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, trình bày về chính sách thu hút đầu tư và hệ sinh thái MEMS/Sensor tại TP.HCM. Ảnh: TIỂU MINH
“Diễn đàn MEMS/Sensor” lần này có sự tham gia trình bày của năm diễn giả là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cảm biến như ông Roger Grace (Chủ tịch Hiệp hội RGA), ông Tom Nguyen (Giám đốc điều hành DunAn Sensing), TS Henderik F. Hamann (quản lý cao cấp, Trung tâm nghiên cứu IBM T.J Watson), TS Matteo Rinaldi (giáo sư ĐH Northeastern, Mỹ) và TS Srinivas Tadigadapa (giáo sư ĐH Penn State, Mỹ).
Về phía TP sẽ có đại diện: TS Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT&TT, sẽ trình bày về “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP” và TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao, sẽ trình bày về “Chính sách thu hút đầu tư và hệ sinh thái MEMS/Sensor tại TP.HCM”.
Các doanh nghiệp ký kết hợp tác với Khu công nghệ cao cùng nhau phát triển. Ảnh: TIỂU MINH