Chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn

Vẫn mang đậm vẻ xưa bình dị, mộc mạc, chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn được tái hiện qua cảnh buôn bán tấp nập của phiên chợ vùng nông thôn ở Huế. Những đứa trẻ say sưa với những con tò he đầy mầu sắc, những thiếu nữ thích thú với các món chè Huế, xa xa là tiếng bễ rèn, tiếng hát bài chòi văng vẳng...

Được xây dựng từ năm 1776, cầu Ngói Thanh Toàn (dài 17 mét, rộng 4 mét), được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 1991. Ảnh: Hồng Vân.
Được xây dựng từ năm 1776, cầu Ngói Thanh Toàn (dài 17 mét, rộng 4 mét), được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 1991. Ảnh: Hồng Vân.

Giơ cho khách xem những chiếc dao sắc lẻm, ông Hoàng Ngọc Dũng, làng Cầu Vực, xã Thủy Châu, huyện Hương Thủy nhớ lại: "Những năm của thập niên 80, làng tôi có cả một hợp tác rèn có tên Hương Sơn, nơi cung cấp nông cụ cho cả nước. Trước cả làng có tới 70 hộ làm nghề rèn nhưng nay chỉ còn 4 lò. Gia đình tôi nhiều đời làm nghề rèn, đến giờ vẫn theo nghiệp của ông cha để lại. Ai đặt gì làm đó. Tuy có khó khăn, nhưng đó là nghề truyền đời của gia đình”.

Không chỉ có nông cụ, chợ quê còn là nơi quy tụ của các sản vật vùng quê Hương Thủy như: gạo Thủy Dương, nếp Thủy Tân, rượu gạo Thủy Dương, bánh tráng Thủy Lương, dưa gang Thủy Châu. Tiếp đến là các loại chè, bánh truyền thống như: bánh tày, bánh ú, chè bắp, chè hạt sen, kẹo cau, kẹo gừng, củ sắn, củ môn với muối mè, đường đen... cùng những món ngon dân dã của riêng Huế như xôi thịt hon, muối sả, muối mè, cơm mo, cá trê nướng, bánh bèo nậm lọc..., cơm hến, bún hến Vĩ Dạ, bánh canh cá lóc Thủy Dương...

Đến với chợ quê, người dân cũng không quên những trò chơi truyền thống như bài chòi, bịt mắt bắt dê, chọi gà..., vốn gắn bó với họ từ khi còn nhỏ. Đang làm chủ phát quẻ trò bài chòi, cụ Nguyễn Quang Cường bày tỏ: "Có từ bao đời nay nên bài chòi luôn là trò nhộn nhịp nhất mỗi khi đi chợ. Từ khi còn nhỏ tôi đã mê với trò chơi này bởi cả già lẫn trẻ, ai cũng có thể tham gia. Vào những dịp Lễ, Tết, cả làng đều háo hức thưởng thức vẻ đẹp của chợ quê và trò chơi thú vị này".

Ngoài khu buôn bán, khu ẩm thực, khu vui chơi dân gian, chợ quê còn có khu tái hiện đời sống, sinh hoạt nông thôn như xay lúa, giã gạo, đan lát... Du khách được xay bột, học làm bánh Huế, hay chèo đò dạo chơi sông....

Người dân làng rèn Hương Sơn thể hiện tay nghề tại chợ quê. Ảnh: Hồng Vân.
Người dân làng rèn Hương Sơn thể hiện tay nghề tại chợ quê. Ảnh: Hồng Vân.

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt còn vương chút bột nếp, anh Nguyễn Duy Hải, quê Đà Nẵng tươi cười cho biết, dù đã nhiều lần đến Huế nhưng đây là lần đầu tiên anh được tham dự phiên chợ mang đậm vẻ quê xưa như thế này.

"Chúng tôi được thưởng thức những món ăn do chính người dân Huế nấu, rồi tự tay làm những loại bánh đơn giản, thưởng thức những điệu hò trên sông, ngâm thơ... Đến chợ quê là tìm về một chút hương quê trong bản thân mình và cũng là để giới thiệu cho các con biết thêm về văn hóa làng quê".

Đến chợ quê cầu Ngói, nhiều du khách tìm thấy được nét quê xưa ở cái mát trong của hương lúa vào vụ, ở vị của những món ăn làng quê cố Đô và ở vẻ đẹp văn hóa tinh thần nơi làng quê Huế xưa nằm trong vẻ nhộn nhịp của lối sống hiện đại.

HỒNG VÂN - (Theo VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm