Đội U-23 Việt Nam sẽ đụng độ ba đối thủ lớn ở vòng bảng U-23 châu Á sắp diễn ra tại Thái Lan gồm UAE, CHDCND Triều Tiên và Jordan. Thật tuyệt vời nếu đứng nhất bảng nhưng rất khó vì các đối thủ đều trên tầm. Còn nếu đứng nhì bảng D này, thầy trò ông Park vào tứ kết khó tránh khỏi U-23 Hàn Quốc ở bảng C lâu nay như một khắc tinh của bóng đá Việt Nam.
Điểm sơ qua hành trình của thầy trò Park Hang-seo sắp chinh phục để thấy có rất nhiều cạm bẫy và khó khăn trong bối cảnh U-23 Việt Nam dự giải với tư cách đương kim á quân. Và cũng phải sòng phẳng nhìn nhận so với hai năm trước ở vòng chung kết U-23 châu Á, các đối thủ do không có tranh suất chơi Olympic nên họ thiếu nội lực và động lực lớn nhất để chơi bóng. Nó khác hẳn với lần này ngoài chủ nhà Nhật Bản đương nhiên có vé tham dự Olympic tại Tokyo, chỉ có thêm ba đội mạnh nhất trong số 15 đội lọt vào vòng chung kết U-23 châu Á mùa này.
“Phù thủy” Park Hang-seo còn có trong tay dàn trợ lý cực kỳ xuất sắc, trong đó đắc lực nhất là trợ lý Lee Young-jin, giúp ông làm thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam. Ảnh: NGỌC DUNG
Duy có điều người yêu bóng đá Việt Nam luôn có nhiều niềm tin vào HLV Park Hang-seo mà báo chí Hàn Quốc gọi là “phù thủy” trong suốt hai năm qua chơi giải nào ăn giải nấy. Nhân lực trong tay ông Park giàu tài năng và đang trên đà khí thế rất cao với thành phần chủ chốt vừa đăng quang SEA Games 30.
Gần như ông thầy người Hàn Quốc đã hoàn chỉnh đội hình cho sân chơi U-23 châu Á sau bảy trận rèn giũa SEA Games và chỉ còn bổ sung một số cầu thủ thay thế chỗ của Trọng Hoàng, Hùng Dũng, Văn Hậu. Đấy cũng là lực lượng mạnh nhất của ông Park như khi cần đá thắng các trận quyết định như tại bán kết và chung kết SEA Games, ông đều tung ra đội hình xuất phát như thế. Thậm chí cả khi rơi vào thế khuyết vị trí chính thức, ông Park không ngại với những thay đổi như lần đầu tiên đưa Hồ Tấn Tài từ biên phải sang trái thế chỗ Thanh Thịnh vẫn chạy trơn tru.
Đáng chú ý hơn là U-23 Việt Nam còn khó lường hơn trước khi thầy Park đã trải qua những lần đầu tiên cho học trò đá với hai trung phong trong hệ thống 5-3-2 (hoặc 3-5-2) chứ không còn cứng nhắc và đơn giản với sơ đồ 3-4-3.
Bên cạnh khả năng tìm tòi và phát hiện cầu thủ giỏi, phù hợp với cách chơi chung của đồng đội, ông Park còn có tài năng ứng phó đặc biệt với từng hoàn cảnh lẫn đối tượng để chọn ra phương án tối ưu nhất. Bóng đá Việt Nam dưới thời “phù thủy” Park Hang-seo đã dần xóa đi những run rẩy và hồi hộp, vì đối thủ nào cũng có thể trở thành bại tướng của ông.
Ông Park đã khiến tám đồng nghiệp mất việc Trong suốt hơn hai năm qua chơi sáu giải đấu chính thức và hàng loạt sân chơi giao hữu, HLV Park Hang-seo đều tận dụng mọi cơ hội để trở thành người thắng cuộc. Ngay như khi đối đầu với thầy cũ Guus Hiddink khi còn dẫn dắt U-22 Trung Quốc, ông Park và các học trò cũng dốc hết sức mình để thắng trận giao hữu 2-0. Không ngờ tỉ số ấy lại mang đến cái kết không đẹp cho HLV Hiddink vì ông bị sa thải ngay sau đó. Không ai lường hết cuộc chơi bởi bóng đá phải gắn liền với chiến thắng và thành tích. Ông Park rất thấm thía bài học xương máu ấy, sau mùa Asiad 2002, ông từng bị làng bóng Hàn Quốc chia tay do chỉ giúp đội Olympic quê hương đoạt huy chương đồng. Còn tính đến lúc này, sau các giải Đông Nam Á, châu Á, có đến tám HLV sau khi thua trận thầy trò Park Hang-seo đã không may mắn trụ lại đội tuyển của họ. |