Chợ Tân Bình sẽ thành Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng

Chợ Tân Bình được xây dựng trước năm 1975, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa mở rộng không đồng bộ đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Với hơn 3.300 sạp nhưng 2/3 số lượng sạp có diện tích dưới 1m2 không đảm bảo tiêu chuẩn quy định (tối tiểu 3m2/sạp), tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ cháy nổ và không an toàn vào mùa mưa bão… Điều này làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bà con tiểu thương.

Ông Sơn cho biết, thành phố chấp thuận cho công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Tân Bình góp vốn liên doanh với công ty TNHH Tân Quang hình thành pháp nhân mới là công ty TNHH TMDV bất động sản Tân Bình Phú thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng (TTTM DV) Tân Bình tại khu đất 7.000m2 phía trước chợ Tân Bình.

TTTMDV đa năng gồm 17 tầng lầu, ba tầng hầm, với tổng kinh phí là 1.992 tỉ đồng. Công ty bất động sản Tân Bình Phú bỏ toàn bộ vốn để thực hiện dự án và có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất một lần cho thời gian thuê là 50 năm.

 

Phối cảnh TTTMDV đa năng.

Ngoài ra thành phố cũng chấp thuận cho UBND Quận Tân Bình tiếp tục quản lí để đầu tư chợ truyền thống Tân Bình bằng phương thức xã hội hóa, có thu tiền sử dụng đất đối với phần đất thuộc dự án giao nhà đầu tư khai thác. Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Quang trúng thầu sẽ là nhà thầu xây dựng lại chợ truyền thống Tân Bình.

Chợ gồm 6 tầng lầu, một tầng lửng và một tầng hầm. Tổng kinh phí là 2.879 tỉ đồng bao gồm chi phí bồi thường hỗ trợ, chi phí đầu tư xây dựng chợ tạm truyền thống... Sau khi hoàn tất, nhà đầu tư giao cho UBND Quận quản lý, ủy ban sẽ thu tiền thuê sạp từ thương nhân hoàn vốn lại cho nhà đầu tư.

 

Phối cảnh chợ truyền thống Tân Bình.

Liên quan đến việc bồi thường, bố trí các địa điểm kinh doanh cho các thương nhân đang kinh doanh tại chợ và giá cả thuê ở chợ truyền thống mới, ông Sơn giải thích như sau: Đối tượng được hỗ trợ bồi thường là những cá nhân đang kinh doanh tại chợ, có điểm kinh doanh cố định, có hợp đồng thuê điểm kinh doanh với Ban quản lý chợ, có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, có mã số thuế... Đối với đất do nhà nước quản lý, nhà nước không giao đất, không thu tiền sử dụng đất của các hộ kinh doanh. Do đó khi thu hồi không tính bồi thường hỗ trợ về đất.

Đối với các sạp, nhà lồng chợ và tài sản khác do cá nhân tự đầu tư xây dựng bằng vốn của mình và không thể tháo rời di chuyển thì tính bồi thường cho đơn vị cá nhân đó. Đối với trường hợp cá nhân kinh doanh có hợp đồng thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh và đã trả trước tiền thuê thì được hoàn trả số tiền thuê đã nộp trên cơ sở giá thuê và thời gian sử dụng, điểm kinh doanh còn lại theo hợp đồng.

Trong thời gian thực hiện dự án, để đảm bảo cho việc kinh doanh của thương nhân được duy trì, UBND Quận quyết định cho xây dựng hai chợ tạm. Thời gian kinh doanh ở  chợ tạm là 39 tháng, thời gian này thương nhân không phải đóng phí chợ. Khi hoàn thành xong chợ truyền thống mới, những cá nhân có đủ điều kiện tái bố trí sẽ được tái bố trí điểm kinh doanh. Những ai có đủ điều kiện tái bố trí nhưng không có nhu cầu thì được hỗ trợ một lần tiền là 30 triệu đồng/hộ để tự lo điểm kinh doanh mới hoặc chuyển đổi ngành nghề. Thương nhân kinh doanh ngành hàng nào sẽ được tái bố trí theo ngành hàng đó. Nếu hộ kinh doanh hiện hữu có diện tích 3m2, 5m2…sẽ được bố trí điểm kinh doanh mới có  diện tích tương ứng.

Ngành hàng may mặc giá thuê hiện ở chợ là 330.000 đồng/m2, ngành hàng rau củ giá 150.000đồng/m2… Khi chợ truyền thống mới xong thì các cá nhân đơn vị được tái bố trí kinh doanh đăng kí hợp đồng thuê sạp với Ban quản lý chợ có thời hạn là 30 năm. Giá thuê cho tầng một là 400.000đồng/m2 tầng hai là 390.000đồng/m2, tầng ba tầng bốn là 380.000đồngm/2… Nếu những ai nộp tiền thuê sạp một lần với thời gian thuê 30 năm thì được UBND Quận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp, được thế chấp sang nhượng quyền sử dụng sạp trong thời gian thuê sạp.

Dự kiến tháng 11 năm 2018 chợ truyền thống đi vào hoạt động. Năm 2021-2022 TTTM dịch vụ đa năng Tân Bình  đi vào hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm