Tranh cãi hàng giả hay hàng nhái

Mới đây, TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã tuyên phạt Ngô Thị Thúy Phượng bảy năm tù, Nguyễn Ngọc Hân (chồng Phượng) năm năm tù về tội buôn bán hàng giả. HĐXX cũng áp dụng hình phạt bổ sung, phạt các bị cáo từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Trong vụ án, điều gây tranh cãi gay gắt là tang vật là hàng giả hay hàng nhái. Nếu là hàng giả thì việc xử lý các bị cáo về tội buôn bán hàng giả là đúng. Nhưng nếu chỉ là hàng nhái nhãn hiệu thì các bị cáo có dấu hiệu vi phạm tội nhẹ hơn là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Hám lời nên phạm tội

Theo cáo trạng, tháng 7-2010, Hân lập Công ty TNHH May Hân Hạnh để may gia công tại phường 12 (quận Gò Vấp). Từ tháng 5-2012, hai vợ chồng thuê các công nhân không rõ lai lịch may áo thun giả nhãn hiệu Lacoste. Bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) quận lập biên bản về hàng hóa có dấu hiệu giả nhãn hiệu Lacoste (đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam), Phượng và Hân đã bán hết thiết bị máy móc, ngừng hoạt động. Sau đó, hai vợ chồng chuyển hết số áo thun giả nhãn hiệu Lacoste về một căn nhà không số thuê tại xã Vĩnh Lộc (Bình Chánh) để cất giấu nhằm bán ra thị trường thu hồi vốn.

Ngày 20-12-2012, Hân thuê xe tải vận chuyển số áo thun này để Phượng đem bán. Khi đang chất hàng trên xe thì bị Đội QLTT huyện Bình Chánh kiểm tra, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng gồm 13.240 áo thun nữ, 2.010 áo thun nam mang nhãn hiệu Lacoste.

VKS căn cứ vào kết quả định giá của hội đồng định giá xác định tổng giá trị hàng giả tương đương với hàng thật là gần 25,5 tỉ đồng. Từ đó, VKS truy tố vợ chồng Phượng ra tòa theo khoản 3 Điều 156 BLHS về tội buôn bán hàng giả (khung hình phạt từ bảy năm tù đến 15 năm tù). Đối với hành vi sản xuất hàng giả, vì công ty của vợ chồng Phượng đã ngưng hoạt động nên chưa đủ căn cứ xác định.

Áo thun đỏ Lacoste thật (trái) và hàng tang vật. Ảnh: H.YẾN

Tội nào mới đúng?

Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư của các bị cáo cho rằng theo lẽ thường, hàng giả làm ra phải giống hàng thật và nhìn bằng mắt thường khó phân biệt. Trong khi hàng tang vật của vụ án khác hoàn toàn so với các sản phẩm của Lacoste (đại diện cho nhãn hiệu Lacoste cũng xác nhận không có sản phẩm nào của hãng có mẫu như hàng tang vật).

Luật sư liệt kê 12 sự khác nhau giữa hàng Lacoste thật với hàng tang vật như chất liệu vải khác nhau; kích cỡ, màu sắc con cá sấu khác nhau; mác nhãn hiệu hàng tang vật to hình vuông, ghi nơi xuất xứ, cá sấu màu xanh, không rõ ràng trong khi hàng chính hiệu mác hình chữ nhật, in trực tiếp chữ Lacoste, cá sấu màu đen, răng, mắt thấy rõ…

Theo luật sư, đặc điểm giống nhau giữa hàng tang vật và hàng thật Lacoste chỉ là cùng sử dụng chữ Lacoste và hình con cá sấu. Hàng tang vật không phải hàng giả mà chỉ là hàng nhái nhãn hiệu Lacoste. Hai bị cáo trong trường hợp này đã sử dụng trái phép nhãn hiệu Lacoste.

Ngoài ra, luật sư còn cho rằng khách thể của tội buôn bán hàng giả xâm phạm đến tính trung thực, hoạt động đúng đắn của các chủ thể sản xuất, kinh doanh và xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng. Còn hành vi sử dụng nhãn hiệu Lacoste trong lô hàng của các bị cáo chỉ nhằm mục đích chiều theo thị hiếu của người tiêu dùng để tăng lợi nhuận chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Điều này chứng minh khi giá sản phẩm mà hai bị cáo bán đúng với giá trị thực tế của sản phẩm là chỉ từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng. Người tiêu dùng có thể mua hàng với giá này tại bất kỳ cửa hàng hay chợ. Người mua hoàn toàn nhận thức được đây là hàng nhái nhãn hiệu Lacoste và chấp nhận mua với giá rẻ chỉ bằng 1/50 lần áo thật của nhãn hiệu này. Họ hoàn toàn biết rõ với giá này không thể mua một cái áo chính hiệu Lacoste được.

Từ đó, luật sư khẳng định các bị cáo không phạm tội buôn bán hàng giả (Điều 156 BLHS) mà chỉ có dấu hiệu của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171 BLHS).

Tuy nhiên, HĐXX đã bác lời bào chữa của luật sư, cho rằng đủ căn cứ xác định tội danh buôn bán hàng giả với các bị cáo. Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo có gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Bởi lẽ người tiêu dùng chân chính ở đây không thể chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là người trực tiếp mua sản phẩm giá rẻ mà còn có những người mua hàng chính hãng để sử dụng. Họ bỏ ra một số tiền lớn mua áo Lacoste mặc là muốn mang trên mình giá trị tinh thần bản ngã, khoác trên người một cái áo thương hiệu nổi tiếng trên 100 năm. Hành vi của các bị cáo có thể đánh tan thương hiệu này, làm cho khách hàng của hãng quay lưng với họ vì bị đánh đồng với người sử dụng hàng chợ…

Ngay sau đó, hai bị cáo cho biết sẽ kháng cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi vụ việc có diễn tiến mới.

ÁI MINH

Một số vụ tương tự bị xử tội khác

- Ngày 29-8, TAND quận 12 đã phạt Nguyễn Thị Huỳnh Trang một năm sáu tháng tù treo (quản thúc ba năm tại địa phương), Trần Quang Thanh (chồng Trang) một năm tù treo (quản thúc hai năm tại địa phương) về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Trước đó, tháng 1-2013, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP.HCM đã phát hiện vợ chồng Trang sản xuất hàng giả nhãn hiệu nón Sơn, Gucci tại cơ sở 74 đường HT18, phường Hiệp Thành (quận 12). Tang vật thu giữ là 150 nón giả thương hiệu nón Sơn và 200 nón Gucci. Mở rộng điều tra, công an thu giữ hàng trăm nón giả nhãn hiệu nón Sơn tại hai cửa hàng khác.

Tại cơ quan điều tra, vợ chồng Trang khai do có thời gian làm việc tại Công ty Nón Sơn, Trang bàn với chồng sản xuất nón giả nhãn hiệu để bán ra thị trường. Thanh thiết kế mẫu, cắt vải, gắn logo các thương hiệu, còn Trang mua vải, các phụ liệu khác ở chợ Bà Chiểu, chợ Tân Bình. Sau đó, Trang trực tiếp đi bán. Đến ngày bị phát hiện, Trang đã bán trên 300 nón Sơn và 100 nón Gucci, thu lợi bất chính 8,5 triệu đồng.

- Sáng 19-3, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đã phạt Dương Quốc Tiến 50 triệu đồng về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tại tòa, Tiến khai mình sống bằng nghề may gia công quần áo. Đầu năm 2011, một người đàn ông tên Thịnh đến đặt Tiến may quần theo mẫu quần Adidas với giá 20.000 đồng/cái. Do ham lợi nhuận, đồng thời muốn tạo công ăn việc làm cho gia đình, lại không ý thức được việc mình làm là trái pháp luật nên bị cáo đã nhận lời may. Trên đường giao chuyến hàng đầu tiên, thợ của bị cáo đã bị công an bắt.

Đại diện Công ty Adidas Việt Nam xác định hành vi của bị cáo chưa gây thiệt hại cụ thể nhưng công ty này vẫn có đơn yêu cầu khởi tố. Tòa xét thấy bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, hành vi của bị cáo chưa gây thiệt hại, chưa thu lợi nên đã áp dụng biện pháp phạt tiền là hình phạt chính.

Quy định liên quan

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

(Theo khoản 1 Điều 156 BLHS)

Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.

(Theo khoản 1 Điều 171 BLHS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm