"Chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy Việt Nam muốn góp tiếng nói vào sân khấu quốc tế với tư cách một nền kinh tế đang lên", chuyên gia Murray Hiebert (Mỹ) bình luận.
Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ lên đường đến Canada tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Justin Trudeau. Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển là tập hợp lực lượng quan trọng nhất trong hệ thống quản trị toàn cầu chiếm khoảng 47% GDP thế giới.
12 nước khách mời tham dự sự kiện lần này gồm Argentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenya, Đảo Marshall, Na Uy, Rwanda, Senegal, Seychelles, Nam Phi và Việt Nam.
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và tạo thuận lợi cho tất cả các đối tác và tin tưởng rằng với tiềm lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư của các nước G7 sẽ có nhiều cơ hội để trở thành những nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Reuters.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay được tổ chức vào ngày 8 và 9/6 tại vùng Charlevoix thuộc tỉnh Quebec của Canada, với sự tham gia của 7 nước công nghiệp phát triển (Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy), Liên minh Châu Âu (EU) và các khách mời gồm Việt Nam.
Là tập hợp các quốc gia phát triển nhất thế giới, G7 được thành lập năm 1975 theo sáng kiến của Mỹ. Từ đó đến nay, đây được xem là diễn đàn giúp các cường quốc hàng đầu tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất quan điểm, lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần thứ hai tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng là dấu ấn quan trọng trong nỗ lực ngoại giao đa phương của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế bị chững lại vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, đơn phương. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, việc tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương đã mang lại cho Việt Nam những xung lực lớn trong cải cách kinh tế, cũng như giúp nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
"Các diễn đàn đa phương đã luôn rất quan trọng đối với Việt Nam, nhưng giờ đây còn quan trọng hơn nữa vì một số đối tác song phương dường như rất không đáng tin cậy", giáo sư Zachary Abuza của Học viện Chiến tranh Mỹ trả lời Zing.vn.
Theo giới quan sát, các diễn đàn đa phương đã trở thành công cụ hữu hiệu để giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và bất bình đẳng thu nhập trong những năm qua. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ với chiến thắng của ông Donald Trump đã mang đến những thay đổi lớn.
"Tổng thống Trump là người mạnh mẽ chỉ trích toàn cầu hóa và không sợ phải đi một mình, như đã thấy qua việc ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris hay thỏa thuận hạt nhân Iran", Nicholas Chapman, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc tế Nhật Bản với mối quan tâm về chính trị Đông Nam Á, nói với Zing.vn.
Tại hội nghị G7 năm ngoái ở Italy, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng phát biểu một câu nổi tiếng, rằng G7 đang ở thế "6 chọi 1", và "1" đó chính là Mỹ với chủ trương "Nước Mỹ trên hết" do ông Trump khởi xướng từ khi nắm quyền. Sự kiện năm nay cũng được cho là sẽ chứng kiến tình huống tương tự.
Chuyên gia Murray Hiebert, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), nói rằng chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy Việt Nam muốn góp tiếng nói vào sân khấu quốc tế với tư cách một nền kinh tế đang lên.
"Tại G7 mở rộng, Việt Nam có lẽ muốn cất tiếng nói ủng hộ tự do thương mại và chống lại chủ nghĩa bảo hộ, cũng như muốn ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, việc có thể gây ra tác động lớn đến kinh tế toàn cầu, bao gồm kinh tế Việt Nam", ông Hiebert nói.
Theo ông Chapman, bằng việc tham gia và là thành viên tích cực của các diễn đàn đa phương, Việt Nam đang cho thấy sự cam kết và hỗ trợ thiết thực của mình trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu, cũng như cam kết với tự do hóa thương mại, khi vị thế của Hà Nội ngày càng gia tăng. "Trong khi Việt Nam là nước cam kết không nghiêng về bên nào, Việt Nam chắc chắn sẽ ủng hộ các chương trình nghị sự chống chủ nghĩa bảo hộ, một điều rất quan trọng nếu xét đến vị thế đang gia tăng của Việt Nam tại khu vực", ông nói.
Năm ngoái, khi lần đầu tiên tham dự hội nghị của nhóm G20 tại Hamburg, Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa đến trường quốc tế một hình ảnh Việt Nam tự tin, hiếu khách và thân thiện.
Với chủ đề "Định hình một thế giới kết nối", hội nghị G20 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế và quản trị toàn cầu. Là nhà lãnh đạo hiếm hoi phát biểu hai lần tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc đẩy kết nối G20 với hội nghị APEC diễn ra vào tháng 11 sau đó tại Đà Nẵng.
Chương trình nghị sự của G7 năm nay tập trung thảo luận về năm chủ đề, bao gồm hợp tác hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương và phát triển năng lượng sạch. Đây là chủ đề phù hợp với mối quan tâm và lợi ích của Việt Nam, quốc gia ven biển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng và cũng có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo.
Trả lời Reuters trước thềm chuyến đi Canada, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Việt Nam tăng sản lượng điện sản xuất từ những nguồn tái tạo lên gấp ba lần và tăng tỷ lệ số hộ gia đình có các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời lên khoảng 26% vào năm 2030. Thủ tướng cũng hy vọng Việt Nam có thể tận dụng 20 triệu tấn đất hiếm, đứng thứ ba về trữ lượng trên thế giới, để phát triển những công nghệ năng lượng mới.
"Chúng tôi mong muốn hợp tác trong công tác nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ cao trong khai thác, chế biến sâu quặng đất hiếm nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường và không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế", Thủ tướng nói.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới hội nghị G7 mở rộng năm nay cũng có thể xem là sự thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn biển và đại dương.
"Tôi rất lạc quan rằng Việt Nam và các lãnh đạo của họ nhận ra chúng ta đang đối mặt với một vấn đề thực sự nghiêm trọng và đó là điều mà Việt Nam có thể chung tay giải quyết", tiến sĩ Carl Gustaf Lundin, giám đốc Chương trình Đại dương và Vùng cực Toàn cầu thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nói với Zing.vn.
|
Những chuyến công du nước ngoài của TT Nguyễn Xuân Phúc Trong gần 2 năm đầu của nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nhiều chuyến công du quan trọng, bao gồm các chuyến thăm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc...