Đáp án kỳ 30: Vi bằng là chứng cứ để kiện đòi nợ

Khoản 2 Điều 2 Nghị định 61/2009 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại (TPL) thực hiện thí điểm tại TP.HCM đã khái quát “Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”. Điều này được nêu cụ thể hơn tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ban hành ngày 28-2-2014: “Vi bằng do TPL lập là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật”.

Trên thực tế, vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết) được TPL mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện đã trực tiếp chứng kiến một cách trung thực, khách quan.

Nhiều bạn đọc thắc mắc “vậy TPL là gì?”. À Ra Thế xin sơ lược: TPL là một chế định mới được Nghị định 135/2013 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2009) giải thích: “TPL là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của nghị định này và pháp luật có liên quan”. Theo đó, TPL có các chức năng: Tống đạt văn bản tố tụng, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án. Chế định TPL đã được thực hiện chính thức trên cả nước từ 1-1-2016.

Trở lại với tình huống À Ra Thế kỳ này, anh B cho anh A mượn 100 triệu đồng không tính lãi và không có hạn trả. Theo quy định tại khoản 1 Điều 469 BLDS 2015 thì đây là hợp đồng vay không kỳ hạn, “bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý…”. Theo đó, để đòi lại tiền, anh B phải thực hiện nghĩa vụ thông báo trước cho anh A. Việc anh B thông báo thời hạn trả nợ trong vòng một tháng được xem là thời gian hợp lý để anh A trả nợ. Đồng thời, thông báo này đã được văn phòng TPL quận X lập vi bằng và vi bằng được đăng ký theo quy định. Như vậy, việc anh B khởi kiện dựa trên thông báo đòi nợ đã được lập vi bằng là đủ điều kiện để tòa án thụ lý giải quyết. Việc anh A không chịu nhận thông báo sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của vi bằng.

Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 30 là: Tòa án thụ lý yêu cầu khởi kiện của anh B là đúng.

Kính mời quý bạn đọc xem clip đáp án do ThS Nguyễn Tiến Pháp, Trưởng Văn phòng TPL quận Thủ Đức (TP.HCM), công bố tại địa chỉ http://plo.vn/ban-doc/a-ra-the.

 À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Con số may mắn kỳ 30 sẽ được À Ra Thế công bố đến quý bạn đọc vào thứ Hai 17-4 kèm theo danh sách bảy bạn đọc xuất sắc nhất, chúng ta cùng chờ xem nhé!

À Ra Thế tạm dừng để cải tiến

Thưa bạn đọc!

Kể từ khi chính thức trở lại vào cuối tháng 7-2016, quý bạn đọc đã đồng hành cùng À Ra Thế qua 30 kỳ với các tình huống pháp luật khác nhau. Chính nhờ sự ủng hộ, yêu mến và nhiệt tình tham gia của quý bạn đọc đã làm nên sự thành công cho sân chơi này.

Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực đem đến cho quý bạn đọc những tình huống pháp luật đời thường, gây tranh cãi. Với sự công tâm, khách quan trong việc chấm giải, những gương mặt được À Ra Thế vinh danh là rất xứng đáng. Đây cũng là sự động viên cho những người thực hiện chương trình. Qua chín tháng hoạt động, chúng tôi thấy cần cải tiến cả hình thức lẫn nội dung của cuộc thi để làm hài lòng những bạn đọc thân quý.

Nhằm tạo một bộ mặt mới cho mảng đố vui pháp luật, chúng tôi tạm dừng sân chơi À Ra Thếmột thời gian để có những cải tiến cả về hình thức lẫn nội dung. Rất mong được đón nhận những tình cảm tốt đẹp của quý bạn đọc dành cho sân chơi mới khi tái xuất.

BAN TỔ CHỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm