Nhóm nghiệp dư này chỉ cần một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) là chuyện hàng xóm đánh nhau, đầu ngõ đánh ghen, tai nạn giữa đường sẽ gom hết lại vừa bằng… một tập tin.
Tiện ích của điện thoại là vậy. Nếu trước đây đi đường thấy chuyện gì hay hay, ghê ghê, lạ lạ… người ta về chỉ kể miệng suông thì bây giờ đều có hình ảnh minh họa sống động, thu hút. Nhanh, dễ, cụ thể… là ưu điểm của những hình ảnh do người dân quay, chụp được trên đường. Thực ra nếu sử dụng đúng mục đích thì điều này rất có ích, nó trợ giúp đắc lực cho báo chí, chưa kể lúc cần lấy bằng chứng tiêu cực, tội phạm hay lan tỏa khoảnh khắc đẹp giữa đời thực đến cộng đồng.
Có điều gần đây, việc lạm dụng smartphone để ghi hình đã đến mức phản cảm. Trong những đoạn clip, hình ảnh về các vụ - tôi tạm gọi là xấu xí, tai vạ của người khác - như hành hung, đánh trẻ em, hành hạ thú vật, tai nạn giao thông… thấy rõ vòng tròn vây quanh nhân vật chính đang tả tơi là cả chục cánh tay cầm smartphone giơ lên để quay phim, chụp ảnh lia lịa, kèm chỉ trỏ bình luận. Cá nhân tôi cho là trong số đó người làm nhiệm vụ, lấy tư liệu như nhà báo, nghiên cứu xã hội… thì ít mà kẻ lắm chuyện thì nhiều.
Thứ nhất, quay clip, chụp ảnh chuyện thiên hạ trong khi nó không dính dáng đến mình là nhiều chuyện. Mục đích chỉ là để có cái đem ra làm quà trong các cuộc buôn dưa. Để quay được thì phải chen vào, như vậy vô tình đã làm rối sự việc, rồi người này bắt chước người kia làm cho đám đông hóng chuyện đó cứ thế phình ra. Mọi người có biết mình có thể làm chậm lực lượng ứng cứu, làm phiền cộng đồng cư dân quanh đó, khiến cho nỗi đau của các nạn nhân thêm ê chề?
Thứ hai, thấy người gặp nạn mà không ứng cứu, không tìm cách ngăn chặn hành vi xấu, không gọi báo cơ quan chức năng là vô cảm. Tôi tự hỏi sao có thể thản nhiên đứng quay clip người này đánh người kia, một đứa bé bị hành hạ, một vụ tai nạn thương tâm chỉ vì tò mò và nhu cầu phát tán? Họ có biết trong khoảnh khắc sinh tử, được trợ giúp sớm một phút số phận nạn nhân có thể hoàn toàn thay đổi.
Thứ ba, phản xạ đầu tiên khi thấy người khác bị nạn là đưa điện thoại lên quay, chụp chứ không phải là một hành động hữu ích, dù nhỏ bé nào khác khiến tôi lo ngại về sự gắn chặt thái quá của con người vào smartphone. Xa hơn nữa là sự tê liệt của lý trí, kỹ năng ứng phó trong tình huống khác thường. Không lẽ không còn cách nào khác hay hơn, có suy nghĩ, có thiện tâm hơn là đứng đó mà quay? Trước mắt lúc đó đâu phải phim, là đời thực, phải có hành động thực chứ?
Những cánh tay cầm smartphone đó nếu ít, người ta còn tin đó là những người có chức trách, đang ghi hình vì mục đích chính đáng nhưng quá nhiều thì không phải rồi. Hãy làm điều khác đi, nếu không giúp được thì thôi, đừng nhân thêm nỗi khốn khổ của người khác vì sự tò mò và vô cảm của chúng ta. Hãy chấm dứt kiểu gom và buôn chuyện như thế bởi chẳng ai biết liệu có một ngày chính mình ở giữa vòng tròn ống kính smartphone đó hay không. Tai bay vạ gió mà, ai nói được!