TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng lộ trình số hóa của các công ty tài chính không chỉ tạo ra sự trải nghiệm thuận lợi hơn cho các khách hàng và hoạt động cho vay của công ty tài chính, mà còn góp phần giảm chi phí cho vay dài hạn và quản trị rủi ro cho khách hàng.
TS Lê Xuân Nghĩa.
Khuyến khích chính sách trọng cầu
. Phóng viên: Ông có thể đánh giá về vai trò của các công ty tài chính tiêu dùng, nhất là khi cơ hội tiếp cận tín dụng ngân hàng của người dân ngày càng khó khăn hơn, phải tìm đến tín dụng đen?
+ TS Lê Xuân Nghĩa: Tín dụng tiêu dùng là một xu thế phổ biến trên thế giới và cần được khuyến khích phát triển ở Việt Nam.
Thứ nhất, tỉ lệ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam so với tổng dư nợ tín dụng còn thấp; so với các nước ở châu Âu, Mỹ cũng rất thấp. Điều đó do chính sách của Chính phủ đang trong giai đoạn thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cho vay sản xuất kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp. Song, đó là chính sách nặng về trọng cung. Trong khi cho vay tiêu dùng thuộc chính sách trọng cầu. Bởi vì nếu muốn thúc đẩy nhanh sự phát triển của thị trường nội địa, giảm độ mở của nền kinh tế (đang ở mức quá cao, thuộc nhóm đầu thế giới) cần khuyến khích chính sách trọng cầu.
Vì vậy, cho vay tiêu dùng có vai trò rất lớn đối với thúc đẩy sự phát triển thị trường nội địa, giảm sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế vào xuất – nhập khẩu (đang chứa đựng nhiều bất trắc) và giảm tổn thương của nền kinh tế từ những biến động bên ngoài. Do đó, nên có những chính sách khuyến khích cho vay tiêu dùng phát triển. Đồng thời, các công ty tài chính cũng nên xây dựng tốt hệ thống quản trị rủi ro đối với hoạt động cho vay tiêu dùng.
Thứ hai, nhu cầu tín dụng trong dân cư rất lớn là mảnh đất “béo bở” cho tín dụng đen hoạt động từ thành phố đến nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa – nơi dân chúng không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tín dụng đen tạo ra chi phí tài chính rất lớn cho tiêu dùng dân cư; đồng thời tạo ra những rủi do tài chính, làm cho nguồn lực tài chính rất lớn không được giám sát, kiểm soát rủi ro chặt chẽ và tạo ra vô số tệ nạn xã hội, đánh mất tính nhân văn.
Vấn đề lo ngại của cho vay tiêu dùng là sự rủi ro cho những công ty tài chính nhỏ, mới được thành lập. Điều đó đặt ra yêu cầu Nhà nước phải có phương thức giám sát phù hợp, quan trọng nhất là cẩn trọng, chặt chẽ hơn trong cấp phép, đặc biệt là yêu cầu về vốn tự có (phải được chứng minh) để đảm bảo mức độ an toàn tối thiểu về vốn.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước không nên đưa ra những ràng buộc về tỉ lệ giải ngân tiền mặt cho vay tiêu dùng. Điều đó tùy thuộc vào chính sách quản trị rủi ro của từng công ty tài chính.
. Thưa chuyên gia, ông nhận định như thế nào về sự thay đổi hành vi của người dân khi vay tiêu dùng, nhất là nhóm khách hàng chính - là công nhân, người lao động có thu nhập trung bình - thấp hiện nay?
+ Hành vi của người tiêu dùng hiện thay đổi rất nhanh, nhất là nước có dân số trẻ như Việt Nam, bởi ai cũng có thể sử dụng smartphone và mạng Internet. Mặc dù đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính là công nhân, người lao động có thu nhập trung bình - thấp nhưng theo quan sát của tôi, những khách hàng này đang dần tương tác nhiều hơn với thiết bị di động và chủ động cập nhật bản thân trước các công nghệ kỹ thuật số.
Theo tôi được biết, hiện có những công ty tài chính một tháng phải nhận khoảng 600.000 cuộc gọi và 60% trong số đó là về các yêu cầu cơ bản như kích hoạt thẻ, thay đổi mã PIN, kiểm tra hạn mức tín dụng hoặc tra cứu lịch thanh toán... Đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng luôn phục vụ với công suất và tốc độ tối đa nhưng vẫn rất khó để giải quyết ngay lập tức tất cả yêu cầu của khách hàng cùng một lúc.
. Nắm bắt xu hướng đó, theo ông, các công ty tài chính cần làm gì để nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như gia tăng lượt giao dịch qua ứng dụng?
+ Để cho vay có trách nhiệm hơn, giúp khách hàng thuận tiện và chủ động đăng ký và hoàn tất thủ tục vay để được duyệt vay ngay lập tức thông qua ứng dụng, một số công ty tài chính hiện đã quyết định tập trung đẩy mạnh phát triển các ứng dụng di động để hỗ trợ tối ưu cho khách hàng. Dấu ấn lớn nhất trong lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số của công ty tài chính, có thể kể đến ứng dụng FE CREDIT khi khách hàng có thể thao tác một chạm đơn giản cho mọi nhu cầu tài chính hằng ngày.
Ảnh minh họa ứng dụng Snap của FE Credit.
Ngoài những yêu cầu cơ bản, siêu ứng dụng giúp ích cho khách hàng nhiều hơn trong cuộc sống hằng ngày, từ việc dễ dàng đăng ký khoản vay hoặc mở mới thẻ tín dụng, mua các gói bảo hiểm độc quyền, đến các giao dịch hàng ngày như nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán khoản vay, mua vé xem phim, mua vé tàu, xe và xác định vị trí các máy ATM hay chi nhánh VNPost gần nhất… Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép chủ thẻ trả tiền không cần tiền mặt hay thẻ vật lý bằng cách quét mã QR để thanh toán tại các cửa hàng đăng ký chấp nhận thanh toán Smartpay và tính năng giới thiệu bạn bè, cửa hàng quen để nhận thưởng cũng là một trong những tính năng đặc biệt của ứng dụng này.
Điều quan trọng là cần liên tục nâng cấp ứng dụng dựa trên những nghiên cứu về hành vi của khách hàng để tạo nên những trải nghiệm mới tốt hơn, đó cũng là cách để lôi kéo và giữ chân khách hàng tốt nhất trong bối cảnh bùng nổ thông tin và công nghệ hiện nay.
Giảm chi phí là giảm lãi suất cho vay tiêu dùng
. Lộ trình số hóa của các công ty tài chính dường như không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tạo ra sự trải nghiệm thuận lợi hơn cho các khách hàng và hoạt động cho vay của công ty tài chính?
+ Đúng vậy. Ngoài việc tạo sự trải nghiệm mới và đáp ứng nhu cầu, xu hướng của khách hàng, còn có một ý nghĩa lớn hơn. Cho vay tiêu dùng thường là các món vay nhỏ, nếu sử dụng nhiều nhân lực thì rất tốn kém, chi phí sẽ rất cao. Do đó, cần khuyến khích sử dụng công nghệ để giảm chi phí cho vay và quản lý được rủi ro một cách tập trung. Giảm chi phí cũng là cách giảm lãi suất cho vay tiêu dùng.
Theo nghiên cứu của tôi, cho vay tiêu dùng ở các nước châu Âu dựa rất nhiều vào hệ thống cơ sở dữ liệu về khách hàng. Trên nền tảng đó mới có những phân tích, đánh giá rủi ro và quyết định cho vay. Điều quan trọng là không thể sử dụng nguồn nhân lực lớn để cho vay các khoản nhỏ lẻ. Cho nên các tổ chức tài chính bán lẻ ở châu Âu cách đây khoảng 10 năm, một phòng giao dịch có khoảng 20 nhân viên thì hiện nay chỉ có 1-2 nhân viên quản trị phần mềm, quản lý rủi do.
Điều đó cũng có ý nghĩa hỗ trợ cho hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đang được khuyến khích hiện nay.
. Khi nhắc đến hợp đồng vay vốn, người ta thường đề cập đến khía cạnh: Đi vay có trách nhiệm. Vì muốn nhắc nhở bên đi vay cần có trách nhiệm cao hơn, bởi họ gắn liền với nghĩa vụ trả nợ. Nhất là đối với việc vay tiền của các công ty tài chính không có tài sản thế chấp. Tuy nhiên hiện nay, nhiều phát sinh không đáng có giữa khách hàng và công ty tài chính cũng đến từ việc khách hàng quên mất việc “đi vay có trách nhiệm”. Theo ông, nguyên nhân do đâu và cách khắc phục vấn đề này?
+ Trước hết là do khách hàng chưa cân đối được năng lực tài chính của bản thân và khả năng trả nợ trước khi vay. Ngoài ra, văn hóa đi vay cũng có nhiều điểm cần bàn. Bởi không có tài sản thế chấp nên nhiều người chây ì hoặc cố tình “bùng” các khoản vay tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, về lâu dài, điều đó rất không nên do lịch sử tín dụng của bản thân khách hàng đó bị ảnh hưởng và không thể đi vay tiền ở bất cứ tổ chức tài chính nào khác.
Vấn đề quan trọng nhất là cần hoàn thiện việc xếp hạng tín nhiệm khách hàng. Những khách hàng chưa hề có lịch sử tín dụng thì phải cho vay ít và đánh giá dần về lịch sử tín dụng để nâng hạng mức cho vay. Cho vay phải có hệ thống phần mềm quản trị rủi ro và xếp hạng tín nhiệm. Những tiêu chí cũng dễ dàng phân biệt như: Tiêu chí tài chính (lương, thưởng, thu nhập khác, hạn mức chi tiêu) và tiêu chí phi tài chính (trình độ học vấn, tay nghề, việc làm, gia đình…).
Điều quan trọng nhất là thiết lập đầy đủ hệ thống cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin để xếp hạng tín nhiệm khách hàng. Đã mất tín nhiệm, đã có “vết đen” trong lịch sử tín dụng thì cương quyết không cho vay để thị trường tài chính tiêu dùng trở nên lành mạnh hơn.
. Xin cám ơn ông.