Cả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lẫn giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có tình trạng “năm cha ba mẹ” về cơ quan quản lý, hàng trăm văn bản luật và dưới luật. Tuy vậy, hiệu quả thực thi lại thấp.
Tại diễn đàn Đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất do Bộ Tư pháp và UNDP phối hợp tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia về luật pháp đã khuyến nghị việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú ý là đề xuất xã hội hóa hoạt động quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm, theo đó, cần phải phát huy vai trò của các hội, hiệp hội, huy động sự giám sát của cộng đồng đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhập rác bằng thủ thuật “tạm nhập, tái xuất”
Kết quả khảo sát về tình hình thi hành pháp luật trong bảo vệ môi trường do đoàn khảo sát liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện đã khẳng định: Vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường xảy ra rất nhiều, phổ biến trên nhiều lĩnh vực và ngày càng nghiêm trọng. Vi phạm tập trung chủ yếu trong các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh xuất nhập khẩu, khai thác tài nguyên, sản xuất ở làng nghề, săn bắt động vật quý hiếm.
Mặc dù số lượng VBQPPL về an toàn thực phẩm nhiều nhưng hiệu quả quản lý lại thấp. Ảnh: HTD
Chẳng hạn, trong hoạt động kinh doanh nhập khẩu, báo cáo của đoàn khảo sát cho hay tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào Việt Nam đang gia tăng với thủ đoạn “xin tạm nhập, tái xuất”, khi bị phát hiện thì khai là “gửi nhầm hàng”. Nghiêm trọng nhất là hành vi nhập rác thải sinh hoạt, các loại chất dioxin, thực phẩm kém chất lượng, bột xương bò điên, kể cả chất có phóng xạ, các thiết bị công nghiệp lạc hậu từ… những năm 60 của thế kỷ trước.
Văn bản luật nhiều, thực thi yếu
Giai đoạn 2005-2010 được các chuyên gia coi là giai đoạn thành công nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường với việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Tới nay có 66 văn bản dưới luật được xây dựng và ban hành. Tuy vậy, việc thực thi lại bị đánh giá là rất hạn chế.
Một trong các nguyên nhân là do chưa có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các bộ cũng như giữa trung ương và địa phương. Ông Trần Văn Đạt, Trưởng phòng Theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), đại diện cho nhóm chuyên gia của đoàn khảo sát, nhận xét: “Nhiều trường hợp xảy ra sự chồng chéo chức năng, thẩm quyền giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các UBND tỉnh, chẳng hạn trong vụ Vedan; hoặc giữa các bộ, ngành với nhau như Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư”. Tương tự, còn thiếu quy định phân cấp trong thanh tra, kiểm tra. “Rất nhiều trường hợp đoàn thanh tra của trung ương lẫn địa phương cùng thanh kiểm tra một đối tượng về cùng một vụ việc cụ thể” - ông Đạt cho biết.
Chế tài chưa đủ mạnh cũng là một yếu tố được các chuyên gia nhắc tới khi đánh giá về tình hình thi hành luật pháp liên quan tới bảo vệ môi trường. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân chưa được thiết lập nên không thể truy cứu hình sự pháp nhân vi phạm pháp luật môi trường. Một điểm bất cập là theo quy định tại Nghị định số 117/2009 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt tuy đã tăng lên nhưng mức phạt của người có thẩm quyền xử phạt lại chưa được tăng nên dẫn tới tình trạng các hành vi vi phạm bị lập biên bản, sau đó phải chuyển lên cấp trên, mà cấp trên lại xử phạt không kịp thời hoặc có trường hợp… bỏ qua luôn.
Ông Trần Văn Đạt cũng thay mặt đoàn khảo sát đánh giá: “Việc ban hành luật pháp về bảo vệ môi trường ở ta tuy thế vẫn còn chậm, nhiều lĩnh vực không có VBQPPL. Có thể kể đến các quy định về bảo vệ môi trường biển, về thu phí khí thải, tiếng ồn, về sử dụng hạn ngạch phát thải trong bảo vệ môi trường…”.
Kỷ lục thế giới về số văn bản luật
Một lĩnh vực khác cũng lắm bức xúc mà cũng có cả một “rừng luật” điều chỉnh là vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm (từ 1-7-2011 sẽ có Luật An toàn thực phẩm), hiện còn một loạt VBQPPL dính đến lĩnh vực này như Luật Thương mại, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Dược, Luật Quảng cáo, Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Bảo vệ thực vật…
Hậu quả là có sự chồng chéo, mâu thuẫn và trùng lặp. Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho hay: “Cùng một nội dung có thể có hàng chục VBQPPL điều chỉnh. Về thẩm quyền cũng chồng chéo: Các bộ, ngành ban hành 221 văn bản (47 thông tư, 147 quyết định), các địa phương ban hành 930 văn bản. Đây quả là kỷ lục thế giới”.
Mặc dù số lượng VBQPPL nhiều như vậy nhưng hiệu quả quản lý lại thấp. Một báo cáo của dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” của UNDP có đưa ra ví dụ: “Số văn bản về phân công trách nhiệm quản lý là 56 văn bản, chiếm 18,73% tổng số nhưng vẫn không xác định được trách nhiệm thuộc cơ quan nào khi phát sinh vụ việc cụ thể về an toàn thực phẩm”. Có tới năm bộ cùng “chịu trách nhiệm chính”: Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, NN&PTNT.
37/92 khu công nghiệp đang hoạt động (chiếm tỉ lệ hơn 40%) xả nước thải vượt quy chuẩn VN, trong đó 14 khu công nghiệp xả nước thải vượt quy chuẩn từ 10 lần trở lên, theo kết quả khảo sát về tình hình thi hành pháp luật trong bảo vệ môi trường do đoàn khảo sát liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện hồi giữa năm 2010. |
HOÀNG THƯ