Rừng luật không chỉ nhiều mà còn rậm rạp
Trong bài Hệ thống pháp luật VN: “Có lẽ phức tạp nhất thế giới”, trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Hệ thống pháp luật Việt Nam có lẽ phức tạp nhất thế giới. Vì theo quy định, rất nhiều chủ thể, thậm chí tới cả chủ tịch xã cũng được ban hành văn bản QPPL và một chủ thể được ban hành rất nhiều loại văn bản”.
Tiếp đó, trong cuộc trao đổi ngắn với Pháp Luật TP.HCM ngay sau khi phiên chất vấn kết thúc chiều 12-6 (bài báo Luật pháp mà dân không biết thì không phải là luật pháp), Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết thêm: Hệ thống pháp luật của ta có nhiều loại văn bản quá: luật, pháp lệnh, nghị quyết chứa quy phạm của Quốc hội (QH), nghị định của Chính phủ (CP), quyết định của Thủ tướng, thông tư của các bộ... rồi chỉ thị của cấp xã nữa. Rừng luật ấy không chỉ nhiều mà còn rậm rạp, khó thi hành, khó chấp hành, chi phí để tuân thủ tốn kém. Chủ tịch QH nói rất đúng: Luật pháp mà dân không biết thì không phải luật pháp.
“Vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi hai luật ban hành văn bản thành một luật hợp nhất. Đây sẽ là công cụ để phát quang rừng luật của ta. Ngoài ra luật sửa đổi sẽ được bổ sung thêm một chương về tổ chức thi hành pháp luật. Và từ ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH sẽ bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ trưởng và CP trong việc chậm hoặc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết sai, trái với văn bản của cấp trên”- bộ trưởng cho hay.
Luật pháp thay đổi xoành xoạch, ai cũng có thể lạc vào mê cung
Phản hồi về hai bài báo nói trên, nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với chia sẻ của Bộ trưởng Hà Hùng Cường. “Phát biểu của bộ trưởng làm ấm lòng dân. Luật pháp mà dân không biết thì không phải luật pháp. Tòa án với niềm tin công lý ra phán quyết lựa chọn cách thức áp dụng pháp luật. Bản án giám đốc ấy có giá trị án lệ để hướng dẫn hành vi của xã hội."- bạn đọc Nguyễn Văn Thiện viết.
Bạn đọc Phùng Ngọc Quang chỉ rõ: “Luật pháp VN thay đổi xoành xoạch, những người thừa hành pháp luật nhiều khi còn chưa cập nhật kịp. Huống hồ người dân, nhiều khi pháp luật còn đánh đố công dân nữa”. Trong khi đó, bạn đọc Lê Sắc cũng khẳng định chắc nịch một câu: “Đúng! Hệ thống pháp luật VN phức tạp nhất thế giới”. “Cứ nhìn cách bầu Kiên và đại diện Ngân hàng nhà nước, Bộ KHĐT... trả lời khi Tòa hỏi về kinh doanh tiền tệ, ủy thác gửi tiền... là biết ngay luật VN phức tạp đến mức nào”- bạn đọc Zero dẫn chứng cụ thể.
Theo bạn đọcSingle Firefly, việc hệ thống pháp luật VN phức tạp nhất thế giới “không phải chuyện bây giờ mới biết! Trước đây rất lâu rồi, đã từng có một vị nữ luật sư tiền bối nhận xét: nước ta có cả một rừng luật…”.
Bạn đọc ký cái tên ngộ nghĩnh Rài Lanh cũng phân tích rất sâu: Đa số luật hiện nay, phần khó dành cho dân và doanh nghiệp. Một điển hình là Luật Hải quan, cán bộ hải quan áp dụng mã thuế sai không thấy chịu trách nhiệm, nhưng doanh nghiệp lãnh hậu quả là phải nộp tiền truy thu thuế sau vài ba năm. “Nếu luật quy định cán bộ làm sai thì phải bỏ tiền túi nộp thay cho doanh nghiệp thì đố cán bộ hải quan dám áp dụng mã thuế sai?”- bạn đọc này đặt vấn đề.
Cũng theo bạn đọc trên, 312 văn bản vi phạm pháp luật, cứ tính có 20 bộ ngành thì bình quân mỗi bộ ngành là trên 15 văn bản, một con số không nhỏ. “Điển hình như vụ bầu Kiên, khi HĐXX hỏi thì đại diện các bộ ngành có liên quan không dám trả lời ngay mà phải về hỏi lại. Nếu luật ban hành văn bản chính xác, minh bạch thì người đại diên có thể trả lời ngay, không phải về xin ý kiến. Chứng tỏ rằng luật hiện nay có nhiều nghĩa, ai hiểu sao cũng đúng. Chính vì những lẽ đó, có người lợi dụng sự hiểu biết để lách luật. Như vậy, những cơ quan, cá nhân ban hành văn bản vi phạm có bị kỷ luật hay không?”
Đề nghị Bộ trưởng nói được thì phải làm được
Bên cạnh việc chia sẻ với sự chân thật của vị bộ trưởng khi ông nêu thực trạng “hệ thống pháp luật VN phức tạp nhất thế giới”, các ý kiến bạn đọc cũng nêu yêu cầu, nguyện vọng đối với người đứng đầu ngành tư pháp VN.
Bạn đọc Quy Le thẳng thắn: “Đề nghị nói được thì phải giám sát thực hiện được, không để "quá nhiều" cấp dưới thi hành 'luật' xuống dân”.
Bạn đọc Nguyen Nga cũng gửi gắm tâm tư: Xin ông hãy chú ý đến luật thuế đối với hộ kinh doanh chúng tôi, như thuế môn bài, thuế tháng. “Có những tháng buôn bán chẳng nổi 3 triệu đồng cả gốc lãi vẫn phải đóng 100 ngàn tiền thuế, nếu sử dụng hóa đơn đỏ thì thuế tháng là 500 ngàn đồng, kể cả khi không có thu nhập. Tôi thấy thật vô lý cho những người buôn bán nhỏ như chúng tôi?”
Đi vào cụ thể hơn, bạn đọc Tài Lanh phân tích: “Luật pháp mà người dân không biết thì không thể là luật pháp. Bây giờ Bộ trưởng mới thẳng thắn nói rõ như vậy, trước đây chỉ nói luật chưa đi vào cuộc sống của người dân. Đơn cử trong vụ án dân sự, mỗi người có một cách hiểu khác nhau nên có những vụ án phải xử đi xử lại nhiều lần. Điều này chứng tỏ các nhà làm luật quá chú trọng đến từ ngữ, câu chữ, ý nghĩ quá thâm sâu đến nỗi những người làm công tác trong ngành pháp luật còn không hiểu hết nội dung ý nghĩa, mỗi người diễn đạt theo ý chí chủ quan của mình, thì làm sao người dân bình thường hiểu được. Nên chăng, các nhà làm luật cần áp dụng các từ thuần Việt, bình dân để người dân khi đọc sẽ hiểu được ý nghĩa, hạn chế dùng từ Hán Việt...”
Bạn đọc Điền Bá Quang cũng chia sẻ: Luật mà phức tạp vậy thì làm sao dân thực hiện. QH làm Luật chung chung rồi giao Chính phủ làm nghị định... rồi chính phủ giao các bộ ra thông tư... vừa kéo dài thời gian mà có khi thông tư lại chỏi luật. “Mong QH làm luật phải cụ thể, dễ hiểu để khi ban hành là thực hiện được ngay, không cần đến nghị định hay thông tư vừa tiết kiệm thời gian mà độ chính xác cao”- bạn đọc Quang nêu kiến nghị.
Bạn đọc Vân Đồng Vũ chỉ nói gọn một câu đầy hình ảnh so sánh “Ai thương dân như con mới đủ tư cách làm quan!”. Tất nhiên ai cũng hiểu thời nay không còn là cái thời “quan là cha mẹ dân”. Nhưng sự thực là chỉ có thực sự thương dân, xót dân, trọng dân, vì dân phục vụ thì các chính sách, pháp luật được xây dựng mới đi vào cuộc sống, được người dân tự nguyện chấp hành.
Vì thế bạn đọc rất mong mỏi một khi người đứng đầu ngành tư pháp VN đã nhìn thấy tận gốc rễ những bất cập của hệ thống pháp luật nước nhà thì sẽ có những chỉ đạo, hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả để khắc phục tình trạng “rừng luật” gây không ít vất vả, khổ sở cho không chỉ người dân, doanh nghiệp mà thậm chí là cả các cơ quan thi hành pháp luật.
PLO tổng hợp