. Phóng viên:Hôm 11-6, ông nói rằng hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới. Ông có thể giải thích rõ hơn cũng như giải pháp khắc phục?
Vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi hai luật ban hành văn bản thành một luật hợp nhất. Đây sẽ là công cụ để phát quang rừng luật của ta. Ngoài ra luật sửa đổi sẽ được bổ sung thêm một chương về tổ chức thi hành pháp luật. Và từ ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH sẽ bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ trưởng và CP trong việc chậm hoặc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết sai, trái với văn bản của cấp trên.
. Hai nhiệm kỳ làm bộ trưởng nhưng đây là lần đầu tiên trả lời chất vấn, ông có nghĩ đây là cơ hội của ngành tư pháp?
+ Đúng. Qua phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp này, người dân hiểu hơn vai trò pháp luật trong đời sống; chia sẻ với công việc ngành tư pháp, nhất là ở địa phương. Thú thật, không phải nơi nào cũng quan tâm tới ngành tư pháp được như TP.HCM. Công việc của anh em làm tư pháp là thầm lặng nhưng qua phiên chất vấn này, chúng tôi thấy tự hào.
. Nhiều ĐBQH chất vấn về việc làm sao đưa tinh thần hiến pháp (HP) mới, nhất là về quyền con người vào cuộc sống. Kế hoạch của Bộ Tư pháp thế nào?
+ Trong BLDS sửa đổi sắp tới, chúng tôi sẽ chủ trì rà soát lại các quy định mới, nhận thức mới về quyền con người, quyền công dân trong HP, qua đó điều chỉnh, sửa đổi để hoàn thiện hành lang pháp lý về quan hệ dân sự, kinh tế phù hợp.
Thứ nữa, BLHS cũng sẽ phải rà soát kỹ các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân có thể không còn phù hợp với bốn nguyên tắc hạn chế quyền mà HP 2013 vừa bổ sung.
. Nghị quyết thi hành HP nói rõ là các quy định trái với HP sẽ không có hiệu lực nữa. Vậy các quy định hiện hành về hạn chế quyền con người mà không phù hợp sẽ xử lý thế nào?
+ Thường vụ QH, CP đều có kế hoạch rồi. Cuối tháng 6 này, các tỉnh, các bộ phải báo cáo kết quả rà soát xem những văn bản, quy định nào phải ngừng thi hành.
Công việc này rất đồ sộ, trong khi hiểu thế nào là trái HP có khi còn cãi nhau. Chẳng hạn nói tòa án thực hiện quyền tư pháp, vậy thì hiểu thế nào, tới nay bàn cụ thể trong Luật Tổ chức tòa án vẫn chưa thống nhất được...
. Trong lúc đợi rà soát, loại bỏ, xử lý các văn bản trái HP, có cách nào khắc phục khe hở xung đột pháp lý này không?
+ Lẽ ra nên trao cho TAND Tối cao quyền phát triển án lệ. Cho phép Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao khi giám đốc thẩm có quyền can thiệp vào nội dung xét xử chứ không chỉ là tuyên hủy để xử lại như lâu nay. Lúc đấy trên cơ sở các quy định pháp luật khác nhau, tòa án với niềm tin công lý ra phán quyết lựa chọn cách thức áp dụng pháp luật. Bản án giám đốc ấy có giá trị án lệ để hướng dẫn hành vi của xã hội.
. Giải pháp này lại phải đợi sửa luật. Liệu thẩm phán có thể áp dụng trực tiếp HP để làm căn cứ pháp lý cho phân xử của mình cho trường hợp mà tổ chức, công dân tranh cãi trong việc áp dụng văn bản luật trái với HP?
+ Trong các việc dân sự, kinh tế... thì được nhưng hình sự thì không thể. Cả BLHS và BLTTHS đều quy định cứng là chỉ được xử căn cứ vào BLHS.
. Xin cảm ơn bộ trưởng.
NGHĨA NHÂN