Lo ngại thẻ căn cước gây lãng phí tiền tỉ

Theo nhận xét của nhiều đại biểu (ĐB), việc Quốc hội (QH) bố trí thời điểm trình, thảo luận tổ về hai dự án luật Căn cước công dân (CCCD) và Hộ tịch cùng lúc cũng “có ý” vì hai dự luật này có những điểm trùng nhau, cần phải làm rõ để tránh chồng chéo, làm khó người dân. Trong đó, vấn đề gây nhiều tranh cãi là “cấp cho trẻ em mới sinh ra thẻ CCCD hay giấy khai sinh”.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) góp ý: “Trẻ mới sinh được cấp ngay CCCD trong khi nhận dạng chưa rõ, còn thay đổi rất nhiều, đến khi 14 tuổi lại phải cấp đổi CCCD lần nữa thì không hợp lý”.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) băn khoăn: “Theo dự thảo Luật CCCD, đời người sẽ có một lần cấp (cấp lần đầu tiên khi sinh ra) và năm lần đổi thẻ CCCD. Tại sao chúng ta thực hiện cải cách hành chính mà lại có nhiều lần cấp, đổi thẻ như thế này?”.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Lê Đông Phong phát biểu tại tổ về Dự án Luật căn cước công dân và Dự án Luật hộ tịch . Ảnh: TTXVN

Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cũng lo lắng: “Nếu triển khai luật này thì tới đây sẽ có ba loại thẻ. Cấp CMND chín số, rồi thí điểm lên CMND 12 số đã rắc rối, giờ lại có thẻ CCCD sẽ vô cùng rắc rối. Nếu triển khai cấp thẻ CCCD sẽ rất tốn kém, thủ tục sau này sẽ rườm rà, còn phiền hà hơn bây giờ. Cần nghiên cứu đánh giá tác động của Luật CCCD để việc triển khai có hiệu quả nhất”.

Cũng theo ĐB Chung, việc đang thí điểm cấp CMND 12 số (mua phôi thẻ rất đắt) và thực hiện đề án 896 có tổng chi phí lên đến 3.500 tỉ đồng. Khi Hà Nội làm dự án quản lý dân cư của năm quận, thuê Nhật Bản viết chương trình phần mềm nhưng làm xong không sử dụng được, không kết nối được. Cũng có một chương trình do Bungaria viện trợ, đến nay mới chỉ nhập được 300.000 trường hợp. “Luật CCCD nếu triển khai sẽ vô cùng khó khăn, sẽ có những cái không làm được” - ĐB Chung thẳng thắn nhận xét.

Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị (Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội) khuyến cáo: “Triển khai cấp thẻ CCCD thay cả hai loại CMND cũ và mới gây chồng chéo, lãng phí lớn đã đành. Đằng này, với quy định thí điểm CMND 12 số thì mình lại tự làm khó mình và làm khó cho người dân. Mọi thứ giấy tờ như hộ chiếu, hộ khẩu, nhà đất, sổ tiết kiệm…đều liên quan mật thiết đến CMND. Đổi thẻ sẽ kéo theo cả hệ thống giấy phải thay thế. Chúng ta đang đơn giản hóa thủ tục hành chính, vậy làm thế này có đơn giản được không? Phải tính toán cho kỹ, làm có lộ trình và nếu chưa tính toán hết được thì chưa nên làm ngay”.

BÌNH MINH - THÀNH VĂN

Bộ trưởng Bộ Tư pháp HÀ HÙNG CƯỜNG:

Không cấp thẻ căn cước từ khi sinh ra

Theo khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật CCCD thì CCCD là “thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân theo quy định của luật này để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác”. CCCD có 17 thông tin (12 thông tin về hộ tịch) và một số thông tin về đặc điểm nhân dạng (ảnh, dấu vân tay…) nhưng trẻ em mới sinh ra đứa nào cũng giống đứa nào, quá trình phát triển đến 14 tuổi nhân dạng có nhiều thay đổi. Nếu cấp thẻ CCCD cho trẻ mới sinh (không có ảnh) là chưa phù hợp với khái niệm “căn cước”.

Nghiên cứu kinh nghiệm trên 100 quốc gia quản lý dân cư qua phương thức cấp thẻ CCCD cũng cho thấy tuyệt đại đa số các nước đều cấp thẻ CCCD cho những người ở độ tuổi 14, 15, 18 khi đặc điểm nhân dạng đã khá ổn định, ít thay đổi. Bên cạnh đó, theo pháp luật VN thì người từ 14 tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự nên cấp CCCD từ độ tuổi này (tương tự như cấp CMND hiện nay) là phù hợp. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, giấy khai sinh có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng, với đầy đủ các thông tin cơ bản về nhân thân (họ tên, cha mẹ, ngày tháng năm sinh…) còn có ý nghĩa như giấy thông hành cho trẻ em nên việc cấp giấy khai sinh cho trẻ mới sinh là cần thiết.

Sau khi có báo cáo kết quả khảo sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về CCCD”, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã đề nghị: Trong khi Chính phủ đang trình QH dự án Luật CCCD, trước mắt chỉ đạo tạm dừng việc cấp CMND theo công nghệ mới, trong đó có CMND 12 số tại TP Hà Nội và một số địa phương để bảo đảm ổn định trong quản lý và sử dụng CMND của công dân.

BÌNH MINH ghi

 

Tại sao lại đổi sang CMND 12 số trong khi dự kiến Luật CCCD có hiệu lực từ năm 2016, như vậy có hợp lý không? Sau đó lại đổi thành thẻ CCCD có lãng phí không? Tại sao không chờ đến 2016 làm luôn mà giờ lại thí điểm rồi đổi đi, đổi lại?

ĐB TRẦN DU LỊCH (TP.HCM)

Đề nghị bỏ thông tin nơi đăng ký thường trú in trên thẻ CCCD vì cứ mỗi lần di chuyển mà phải đổi thẻ thì những người cư trú qua nhiều nơi phải đổi nhiều lần rất khó khăn. Thay vào đó, công dân chỉ phải đến nơi cư trú mới khai báo để cập nhật biến động vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là đủ.

ĐB PHẠM XUÂN ĐƯƠNG  (Thái Nguyên)

THU HẰNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm