Sáng 19-1, Ban tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự hội nghị và phát biểu chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Xây dựng Đảng rốt cuộc là xây dựng tổ chức và xây dựng con người, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng.
Cái "chốt" phải rắn chắc, không bị "mọt"
Theo Tổng Bí thư, lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nhưng mặt khác, lại phải thấy nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VOV
Chúng ta càng ngày càng thấm thía "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "là nguyên nhân của mọi nguyên nhân". Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan tham mưu, đề xuất về tổ chức và cán bộ để Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
"Do vậy, cũng có thể nói nếu "xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt" thì công việc của ban tổ chức các cấp là "then chốt của then chốt". Nếu "chốt" rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu chẳng may cái "chốt" này mà mọt hoặc trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào. Tôi nói Ban tổ chức có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng là vì thế" - Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, trong thời gian qua, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, thời gian chưa dài, Ban Tổ chức Trung ương và các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đóng góp to lớn vào công tác xây dựng tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bám sát chương trình công tác của Trung ương; sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, triển khai thực hiện một khối lượng lớn các công việc, đạt kết quả tốt và có chất lượng.
"Tóm lại, hai năm qua và đặc biệt là năm 2017, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, đóng góp có hiệu quả vào thành tựu chung của đất nước. Thay mặt Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, cảm ơn và biểu dương những kết quả mà các đồng chí đã đạt được trong năm qua" - Tổng Bí thư nói.
Còn cất nhắc người thân quen không đủ chuẩn
Bên cạnh những thành tích đã đạt được rất đáng ghi nhận, chúng ta cũng cần thẳng thắn, nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục. Đó là:
Vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng; vai trò nêu gương, phê bình và tự phê bình còn chưa cao, cá biệt có nơi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc bảo vệ chính trị nội bộ... Chính vì những khuyết điểm này nên tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NLD
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ, ngành. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước rất lớn; dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?
Qua kết quả công tác tham mưu của ngành tổ chức xây dựng Đảng cho thấy hình như công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng chưa được chú trọng đúng mức; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ chưa đồng đều, còn hạn chế; chất lượng nắm tình hình, năng lực nghiên cứu, dự báo và sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất còn chưa cao,...
Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư lưu ý năm vấn đề lớn.
Một, tư tưởng chỉ đạo chung là phải tiếp tục cụ thể hóa Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương đã ban hành từ đầu khoá XII đến nay. Năm 2017 chúng ta đã làm được nhiều việc, năm 2018 tiếp tục làm và còn nhiều việc phải làm. Thuận lợi là cả hệ thống chính trị đang có khí thế, hăng hái vào cuộc; cấp ủy các cấp đang đặc biệt quyết tâm; nhân dân đang hồ hởi, ủng hộ; vậy những người làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng chúng ta thế nào? Có lẽ hơn ai hết chúng ta càng phải khí thế, đẩy mạnh và làm quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình với tinh thần kiên quyết, kiên trì đưa các Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét và biến thành hiện thực sinh động (phải có sản phẩm rõ ràng, không nói chung chung).
Hai, tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung trình các Hội nghị Trung ương sắp tới, mà trước mắt là Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" để trình Hội nghị Trung ương 7. Đề án này phải kế thừa, bổ sung, đổi mới và phát triển trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ; thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh năm 2011, Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng. Tinh thần là chuẩn hóa và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực.
Ngoài nhiệm vụ trọng tâm này, ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần bắt tay vào chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 với quan điểm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Khắc phục những hạn chế, bất cập và phù hợp với dự báo phát triển trong tương lai của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Việc kiểm điểm, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ phải tiến hành một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ và trung thực, thực sự là cơ hội quý để chia sẻ, học tập lẫn nhau, là một dịp tổng duyệt lại đội ngũ.
Chủ động tham mưu xây dựng Quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt, thường vụ cấp ủy, ban chấp hành các cấp, nhất là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và những nhiệm kỳ tiếp theo để có thể lựa chọn được các đồng chí xứng đáng nhất, thực sự có đức, có tài, trong đó lấy đức làm gốc. Tiến hành tổng kết Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị khóa XI để chuẩn bị xây dựng Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Ba, chú trọng đến công tác cán bộ thường xuyên; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.
"Tôi hoan nghênh các đồng chí hôm nay đã đưa vấn đề này thành chuyên đề thảo luận tại hội nghị. Đề nghị các đồng chí thảo luận sôi nổi, khách quan, đi sâu làm rõ nội hàm và biểu hiện của vấn đề, mức độ tình hình hiện nay ra sao và đặc biệt là đề xuất hướng xây dựng cơ chế để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này như thế nào... Qua đó, góp phần tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành quy định về vấn đề này một cách phù hợp. Ngay từ năm 2014, dự họp tổng kế cuối năm tổ chức, tôi nêu vấn đề, trong nhân dân, dân gian có nói chuyện chạy chức chạy quyền, đề nghị các đồng chí làm rõ, có hay không, ai chạy, chạy ai. Nay đã làm rõ một bước. Đây vẫn là vấn đề nhức nhối" - Tổng Bí thư nói.
Bốn, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải khẩn trương củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động của mình một cách tinh gọn, phù hợp; đồng thời, gắn với tinh giản biên chế, xây dựng cơ chế vận hành hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức, cơ quan; cái gì chưa phù hợp thì phải kịp thời thay đổi, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện. Bên cạnh đó, hết sức chú ý đến công tác nắm tình hình, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận về công tác tổ chức, xây dựng Đảng.
Năm, nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới hết sức nặng nề. Đường lối có đúng hay sai, tổ chức thực hiện có tốt hay không đều phụ thuộc vào cán bộ.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà người làm công tác tổ chức đối mặt, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Đảng và nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của cấp ủy các cấp, của từng cán bộ làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Các đồng chí phải nắm vững nguyên tắc, cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám hy sinh vì lợi ích chung, có đạo đức cách mạng trong sáng, gương mẫu; tinh thông nghiệp vụ, phương pháp công tác khoa học, nói đi đôi với làm.
Đặc biệt là phải hết sức công tâm, khách quan, tận tụy với công việc; không chịu bất cứ sức ép, sự tác động không lành mạnh nào. Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ".