Chồng Cô dâu tám tuổi không chiều lòng mẹ khi chọn vợ

Hai diễn viên trong phim gồm nam diễn viên Siddharth Shukla (người thủ vai thanh tra Shiv, chồng sau của Anandi) và nữ diễn viên Neha Marda (người thủ vai Gehna, bác dâu của Anandi) đã đại diện đoàn làm phim nhận giải thưởng tại TP.HCM.

Pháp Luật TP.HCM đã trò chuyện cùng nam diễn viên, người mẫu Siddharth Shukla. Trong phim Cô dâu tám tuổi, Siddharth Shukla vào vai thanh tra Shiv, một người đàn ông điềm tĩnh, bao dung… Vai diễn này của Siddharth Shukla đã làm “điêu đứng” nhiều người hâm mộ Việt Nam.

Nam diễn viên Siddharth Shukla trao quà cho nghệ sĩ nghèo TP.HCM vào chiều 7-1 - Ảnh: BTC cung cấp

Đổi đời nhờ vai diễn

. Phóng viên: Cô dâu tám tuổi có lẽ là bộ phim truyền hình dài tập nhất anh từng tham gia, vậy bộ phim ảnh hưởng như thế nào trong sự nghiệp của anh?

+ Diễn viên Siddharth Shukla: Bộ phim đã thật sự thay đổi cuộc đời tôi. Trước khi tham gia Cô dâu tám tuổi tôi là người mẫu, có tham gia một vài phim nhưng chưa có dấu ấn lớn. Khi nhận được vai Shiv trong một bộ phim truyền hình có tiếng của Ấn Độ và vượt ra được nhiều quốc gia khác quả là may mắn của tôi. Tôi thật sự cảm động vì nhận được tình yêu từ những người hâm mộ ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tuyệt vời hơn là nhờ Shiv mà tôi trở nên là người tốt hơn. Bạn thấy tôi đây, vốn là người cảm tính nhưng từ vai diễn tôi đã trở nên điềm đạm hơn.

. Nhiều người xem truyền hình Việt hâm mộ thanh tra Shiv trong phim Cô dâu tám tuổi bởi sự bao dung dành cho Anandi, vậy trong đời thực nếu có một cô gái như Anandi - bị tảo hôn từ tám tuổi, bị chồng cũ ruồng bỏ… anh có thương như vậy?

Chồng Cô dâu tám tuổi không chiều lòng mẹ khi chọn vợ ảnh 2
 Chiều nay nam diễn viên Siddharth Shukla và nữ diễn viên Neha Marda sẽ giao lưu cùng khán giả tại Trung tâm thương mại SC Vivo City (quận 7, TP.HCM) - Ảnh: BTC cung cấp 

+ Trong đời sống thực sẽ chắc chắn không có một Anandi. Nhưng lâu nay tôi khá bận rộn công việc nên không nghĩ nhiều đến chuyện tình yêu. Bây giờ có lẽ tôi cũng nên nghĩ đến một mối quan hệ cho mình, một góc nào đó của Anandi chẳng hạn. (cười)

. Với vai trò là người nổi tiếng anh nghĩ mình sẽ làm gì để giảm thiểu những vấn đề bạo lực gia đình, tảo hôn, cưỡng hiếp... trong xã hội Ấn Độ hiện tại?

+ Trong các vấn đề bạn nói, tảo hôn là vấn đề thuộc về quá khứ nhiều hơn là hiện tại bởi nó chỉ còn tồn tại ở một số vùng quê. Tất cả chuyện bạo lực gia đình, tảo hôn, cưỡng hiếp… liên quan nhiều đến việc giáo dục. Ấn Độ khác biệt các quốc gia khác bởi nó là một quốc gia quá rộng lớn và đông dân cư. Càng lớn, dân số nhiều… thì càng nhiều vấn đề xã hội xảy ra.

Là một người nổi tiếng, dĩ nhiên thấy vấn đề như thế tôi sẽ lập tức bày tỏ thái độ của mình. Cũng xin nói rõ trong những thời kỳ trước, việc cưới xin ở Ấn Độ không phải là vấn đề của người phụ nữ muốn mà là người đàn ông muốn gì, thích ai, cưới ai và người phụ nữ phải tuân phục điều đó. Bây giờ mọi sự đã thay đổi bởi khi xã hội hiện đại hơn, các câu chuyện đó được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, qua truyền thông, qua các chương trình giải trí và qua cả phim ảnh… thì những vấn đề đó đã dần được giảm thiểu.

Mẹ là người hợp thời

. Ngoài công việc thì mẹ anh là người luôn bên cạnh anh nhiều nhất, vậy nếu anh chọn vợ thì người đó sẽ là người hài lòng mẹ anh?

 + Đúng là tôi rất gần mẹ tôi nhưng mẹ tôi là một người cởi mở, hợp thời. Bà luôn hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình, thế giới chuyển động như thế nào… Nên tôi nghĩ mình không quá bị áp lực việc phải chiều lòng mẹ trong quan hệ cá nhân của mình. Nhưng tôi quan niệm việc cưới xin không phải là của hai cá nhân mà của hai gia đình. Người vợ của tôi dĩ nhiên phải là người hòa hợp với các mối quan hệ trong gia đình.

 . Ngoài người mẫu, diễn viên anh còn mong muốn là một kiến trúc sư thiết kế nội thất. Anh thú vị với công việc nào hơn?

+ Tôi có người chị, chị ấy rất thích thời trang, trong nhiều lần trò chuyện chị đã truyền cảm hứng cho tôi đến với nghề người mẫu. Còn với phim ảnh đó là cơ duyên bởi tôi được chọn đóng khi một người khác từ bỏ vai. Và kiến trúc sư là nghề tôi chọn theo gia đình và tốt nghiệp chính quy. Với hiện tại nghề tôi chọn chính sẽ là diễn viên.

Xin cảm ơn anh!

 

Cô dâu tám tuổi giúp Ấn Độ giảm 13% nạn tảo hôn

Tôi thấy tự hào là một phần bộ phim và là được đại diện đoàn phim nhận giải thưởng Ngôi sao xanh từ khán giả Việt Nam. Cô dâu tám tuổi là bộ phim có câu chuyện dài, nó đem văn hóa Ấn Độ đến các đất nước khác, đó là một sự tự hào cho văn hoá chúng tôi.

Nhưng quan trọng nhất, hủ tục tảo hôn vẫn diễn ra ở các vùng quê Ấn Độ, bộ phim Cô dâu tám tuổi mang thông điệp của người phụ nữ chống nạn tảo hôn. Những đứa nhỏ bị gả bán từ khi tám tuổi hay 13 tuổi cho người cùng trang lứa hay người đàn ông 55 tuổi đó là tình trạng lạm dụng tình dục. Vì thế, sau khi bộ phim phát sóng, điều mà phim này làm được là những cái sai của ngày xưa đã được cải hóa thành những điều đúng đắn. Đã có nghiên cứu cho thấy nếu trước đó tảo hôn chiếm tỉ lệ 30% trong các cuộc hôn nhân tại Ấn Độ thì sau bộ phim này, tỉ lệ tảo hôn chỉ còn lại 17%. Có thể nói đây là bộ phim đặt dấu ấn cho bình đẳng giới, chống nạn tảo hôn, chống lạm dụng tình dục trẻ em, chống bạo lực gia đình… trong xã hội Ấn Độ hiện tại.

Nữ diễn viên Neha Marda.

 
Đến TP.HCM vào chiều 6-1, ngày 7-1, hai diễn viên đã có buổi trao quà cho nghệ sĩ nghèo trên địa bàn TP.HCM, trong tối 8-1 họ đã có mặt tại Nhà hát TP.HCM để nhận giải thưởng Ngôi sao xanh. Vào 15 giờ hôm nay (9-1) họ sẽ giao lưu cùng khán giả tại Trung tâm thương mại Sc Vivo City (quận 7, TP.HCM), sau đó hai diễn viên sẽ có kế hoạch du lịch riêng tại Việt Nam trước khi trở về Ấn Độ vào ngày 12-1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm