Chống lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc

Hàn Quốc được xem là thị trường lao động đem lại thu nhập “ngàn đô”. Tuy nhiên, tình trạng lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng, hết hạn không về nước tăng cao khiến phía Hàn Quốc tạm ngưng tiếp nhận lao động Việt Nam một thời gian. Theo thống kê mới nhất, có khoảng 16.000 lao động Việt Nam đã bỏ trốn khi hết hạn hợp đồng. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Choi, Byung-Gie (ảnh), Giám đốc Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD), về thực trạng và các giải pháp hạn chế tình trạng này.

Lo về nước không có việc làm (?)

. Phóng viên: Theo ông, nguyên nhân nào khiến tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều như vậy?

Chống lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc ảnh 1
 
+ Ông Choi, Byung-Gie: Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào liên quan tới nguyên nhân cư trú bất hợp pháp. Cá nhân tôi cho rằng có một vài nguyên nhân như sự chênh lệch quá lớn giữa tiền lương ở Hàn Quốc và Việt Nam, người lao động lo lắng không có việc làm sau khi trở về Việt Nam. Ngoài ra, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét văn hóa tương đồng nên lao động Việt Nam thích cuộc sống tại Hàn Quốc và không có ý định quay về.

. Ông đánh giá thế nào về những giải pháp hạn chế tình trạng bỏ trốn phía Việt Nam đang thực hiện? Liệu có kéo giảm được tỉ lệ lao động bỏ trốn?

+ Việt Nam đang thực hiện hai chính sách để giảm thiểu cũng như phòng, chống lao động cư trú bất hợp pháp, đó là chế độ ký quỹ và xử phạt vi phạm hành chính. Theo tôi, nếu quản lý tốt hai chế độ này thì đây sẽ là biện pháp hiệu quả đối với việc giảm thiểu cũng như phòng, chống lao động cư trú bất hợp pháp.

 
Lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành chăn nuôi tại Hàn Quốc. Ảnh: H.HOA

Tiền phạt đã tăng lên 100 triệu đồng, thời gian ân hạn đã được ấn định đến ngày 10 tháng 3 năm nay. Thế nhưng trong thời gian ân hạn chỉ có khoảng 3.000 người lao động bất hợp pháp trở về nước. Số lao động cư trú bất hợp pháp vẫn còn lên tới 16.000 người. Có thể thấy rằng họ không quan tâm hoặc không sợ bị xử phạt. Trên thực tế tôi còn nghe nói có trường hợp lao động nói rằng vẫn sẽ trốn dù phải đóng tiền phạt. Vì chỉ cần làm việc ở Hàn Quốc ba tháng là đủ để gỡ lại số tiền đóng phạt. Nếu Việt Nam tiếp tục vận động, cũng như thực hiện triệt để chế độ ký quỹ, chế độ xử phạt vi phạm hành chính thì tôi tin rằng tỉ lệ cư trú bất hợp pháp sẽ giảm đi.

Mức phạt đến 20.000 USD

. Tại sao các doanh nghiệp Hàn Quốc lại sử dụng lao động tự do? Những người lao động này có được đóng bảo hiểm đầy đủ hay không?

+ Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc cũng tiếp tục muốn tuyển lao động Việt Nam đã thành thục về kỹ thuật vì đã làm việc ở Hàn Quốc năm năm. Nên dù biết là sai nhưng vẫn có nhiều chủ lao động nhận người lao động bất hợp pháp. Dù cư trú hợp pháp hay bất hợp pháp thì người lao động đều nhận được các chế độ như bảo hiểm hay các quyền lợi khác.

. Phía Hàn Quốc có mở các đợt truy quét lao động không phép, lao động hết hạn không? Mức phạt do sử dụng lao động không phép, lao động hết hạn là bao nhiêu? Mức phạt này đã đủ răn đe hay chưa?

+ Việc tiếp nhận lao động do Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc phụ trách, tuy nhiên việc truy quét người lao động cư trú bất hợp pháp lại do Bộ Tư pháp phụ trách. Bộ Lao động việc làm cùng với Bộ Tư pháp cũng đang bắt tay thực hiện truy quét và trục xuất. Chủ sử dụng lao động sử dụng lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị cấm tuyển lao động nước ngoài trong thời gian nhất định và bị phạt tù hoặc phạt tù không giam giữ dưới ba năm, ngoài ra còn bị phạt tiền dưới 20.000 USD.

Cư trú bất hợp pháp là ích kỷ

. Về lâu dài cần có những giải pháp gì để cải thiện tình hình, thưa ông?

+ Hàn Quốc và Việt Nam ký MOU phái cử lao động từ tháng 6-2004, tuy nhiên do tỉ lệ cư trú bất hợp pháp quá cao, đến tháng 8-2012, MOU bị tạm dừng. Sau đó Việt Nam có rất nhiều động thái tích cực để giảm thiểu tỉ lệ cư trú bất hợp pháp như chế độ ký quỹ hay chế độ xử phạt vi phạm hành chính. Đến ngày 31-12-2013, MOU được ký lại. Để tiếp tục phái cử lao động sang Hàn Quốc cũng như tăng số lượng chỉ tiêu dành cho Việt Nam, cần thiết phải giảm thiểu số lượng cư trú bất hợp pháp hiện nay. Chế độ ký quỹ cũng như xử phạt vi phạm hành chính được ban hành vào năm ngoái cần thiết phải được thực hiện một cách triệt để và thực chất.

. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này, ông có kiến nghị, giải pháp gì cho phía Hàn Quốc và Việt Nam?

+ Hiện nay, Việt Nam là nước có tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất trong số 15 nước phái cử ở Hàn Quốc. Việc lao động mới bị hạn chế nhập cảnh, cũng như chỉ tiêu tiếp nhận lao động cho Việt Nam thấp là một điều đáng tiếc. Để không bị tiếp tục dừng MOU mà phải khó khăn lắm chúng ta mới ký lại được thì cần phải thực hiện triệt để, nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu, phòng chống cư trú bất hợp pháp.

. Với người lao động, ông có lời khuyên gì cho họ?

+ Cư trú bất hợp pháp là ích kỷ, là chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng bản thân mình. Vì người lao động cư trú bất hợp pháp mà lao động mới không có cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc, cũng như giảm chỉ tiêu lao động mà Hàn Quốc dành cho Việt Nam. Thân nhân của người lao động đang cư trú ở Hàn Quốc cần phải kêu gọi con em mình quay trở về.

. Xin cảm ơn ông.

PHONG ĐIỀN

Số lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 16.563, chiếm 34% trong tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (48.718 người).

Tỉ lệ cư trú bất hợp pháp của lao động trong ngành xây dựng tương đối cao, tiếp theo đó là ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và sản xuất chế tạo.

Hiện tại mới chỉ có 3.000 lao động bỏ trốn trở về nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm