VML là TikToker có tiếng, với nhiều clip về bảo vệ quyền lợi người khuyết tật. Trang Facebook của anh cũng có tới 150.000 người theo dõi. Cách đây 3 ngày, L chia sẻ câu chuyện “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn” lên Facebook.
Bài viết của VML về hai cửa hàng phở ở Hà Nội sau khi đăng tải đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều, với hơn 50.000 lượt thể hiện cảm xúc, 32.000 bình luận và 5.000 lượt chia sẻ.
Cộng đồng mạng bức xúc
Theo dõi các bình luận trên bài đăng của VML, có nhiều bình luận bày tỏ sự bức xúc trước hành động của hai quán phở. Trong số đó có những bình luận mang tính chê bai với văn hóa thương mại, dịch vụ Hà Nội. Nhưng cũng không ý kiến nghi ngờ tính xác thực của bài viết và cho rằng tác giả đăng bài viết phân biệt vùng miền...
"Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ lòng người là đắt", mình đã từng nghe câu nói này nhưng vẫn muốn đến Hà Nội một lần vì mình biết dù nơi đâu cũng sẽ luôn có người tử tế và mình muốn gặp được điều tử tế đó" - bình luận của nickname Lê Ngọc Trinh với hơn 200 lượt thích.
Cũng có người bày tỏ quan điểm người nào chia sẻ câu chuyện câu like, gây chia rẽ, mất đoàn kết cần phải bị xử lý. Đồng thời thẳng thắn nhìn nhận, người Hà Nội không như vậy.
"Mình chẳng tin bài này tí nào, dân Hà Nội có thể chua ngoa, ví dụ như bún chửi, phở chửi… nhưng người Hà Nội đều được dạy để biết tôn trọng người khuyết tật, sống hơn 30 năm chưa bao giờ thấy bất kì ai lại xua đuổi người khuyết tật cả" - nickname Vũ Ngọc Châm bình luận.
Một nickname khác đồng quan điểm khi cho rằng, bài viết gây chia rẽ vùng miền, đồng thời đề nghị nêu rõ địa chỉ quán để cộng đồng cùng làm rõ.
"Nghĩa là đi hai quán đều vậy ư? Người Hà Nội có đanh đá thật đấy. Có ghê gớm thật đấy. Nhưng rất biết điều và hiểu chuyện. Chứ không vô tâm kiểu ác độc như này... nên nếu bạn có phản ảnh quán nào thì nêu hẳn tên, đừng đánh đồng tất cả người Hà Nội" - bình luận của bạn Huyền Nguyễn được hơn 2.400 like.
"Bảo bạn ấy cho chúng tôi xin cái địa chỉ cụ thể quán mà bạn ấy đăng lên, đuổi bạn ấy với ạ! Chúng tôi sẽ cho người đi xe lăn như bạn ấy vào ăn xem có bị đuổi không? Viết một bài chia rẽ vùng miền, đọc rất là vô lý" - nickname Trần Ha My bày tỏ quan điểm.
Hiện câu chuyện vẫn đang được cộng đồng mạng bàn luận sôi nổi với luồng quan điểm chủ đạo là nghi ngờ tính xác thực và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội vào cuộc
Trước một vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng, hơn nữa, tác giả lại là người người khuyết tật, và cũng có tầm ảnh hưởng, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc xác minh.
Thông tin với PLO vào ngày 15-1, đại diện Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: "Hiện chúng tôi đang xác minh vụ việc. Việc này phải kết hợp với các cơ quan liên quan như ngành văn hoá và chính quyền địa phương...".
Chủ quán phở gà Lâm 60 năm lên tiếng
Chiều 15-1, PV có mặt tại quán phở gà Lâm ở số 7 Nam Ngư. Đây được cho là quán phở thứ hai trong bài đăng mà TikToker VML nhắc đến trong bài đăng trên Facebook dẫn đến sự quan tâm lớn của dư luận.
Quán phở gà Lâm rộng khoảng chừng 40m2 cả chủ và nhân viên đều là người lớn tuổi. Quán phở bình dân này cũng có thiết kế quen thuộc như các quán phở khác ở khu vực miền Bắc, khách đặt chân vào là ăn ngay chứ không trang trí hoa mỹ hay bố trí phòng riêng.
Bà Lâm, chủ quán phở gà 60 năm, cho hay quán nhà bà bán cả ngày và chia ra ba ca, ca sáng do bà Thu (người phụ nữ được cho là có va chạm với VML) đảm nhiệm, ca chiều thì bà Lâm kinh doanh còn tối là cô cháu gái phụ trách. Bà Thu và bà Lâm là chị em dâu, cùng nhau kinh doanh hàng chục năm nay.
Chủ quán phở gà Lâm cho biết, hôm đó bà không bán hàng mà do em chồng thực hiện. Đến hôm nay thấy chính quyền, báo chí và các cơ quan chức năng đến xác minh, bà mới bất ngờ.
Bà Lâm cho hay, quán phở gà của gia đình bà đến nay gần 60 năm hoạt động, nếu có tai tiếng gì thì đã không duy trì được đến ngày hôm nay.
Câu chuyện hôm đó, bà không trực tiếp chứng kiến nhưng có nghe em dâu thuật lại và camera giám sát cũng ghi lại toàn bộ sự việc. Qua câu chuyện của người chị chồng, bà Thu khẳng định đó là câu chuyện không có thật.
Bà này cho biết thêm, cậu L là khách ở miền Nam ra, ăn phở ở quán nhiều lần và mọi người đều nhớ mặt. Hôm đó, L đến ăn cùng một cô gái, họ đẩy xe lăn vào quán và ngồi ở bàn ngay sát khu vực chế biến phở.
Người phụ nữ này cũng cho biết, không quan tâm đến câu chuyện cậu L chia sẻ trên mạng xã hội vì sự thật vẫn là sự thật, không có chuyện quán đuổi khách vì ngồi xe lăn.
Phở gà Lâm cũng là quán phở có tiếng ở Hà Nội, từng được Ngoại trưởng Australia Penny Wong ghé thăm trong chuyến công tác hồi cuối tháng 6-2022.
Câu chuyện "bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn" vẫn đang là chủ đề bàn tán rộng rãi trên mạng xã hội, hiện các ngành chức năng của Hà Nội đã vào cuộc xác minh.
Nhiều ý kiến cho rằng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh là động thái cần thiết.