Chiều 10-9, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng tổ chức cuộc họp mở rộng để bàn các phương án vừa chống dịch, vừa chống bão.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh: Quan điểm của TP là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trên hết. TP chủ động triển khai hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu có. Công tác thông tin phải kịp thời đến với người dân, sớm khắc phục, ổn định đời sống nhân dân.
Nhân viên khách sạn ven biển Đà Nẵng tháo gỡ các vật dụng không cần thiết trước khi bão vào. Ảnh: TẤN VIỆT
Ông Chinh yêu cầu Sở Công thương làm việc với các đơn vị cung ứng hàng hóa, không để đứt gãy, gián đoạn trong bối cảnh đảm bảo lương thực cho công tác chống dịch.
Sở Y tế có trách nhiệm rà soát các khu phong tỏa, cách ly để đảm bảo điều kiện về phòng chống lụt bão. Khi bão vào, các hoạt động cơ bản phải dừng lại thì cần đảm bảo ăn uống hàng ngày tại các khu vực này, tổ chức xét nghiệm người dân sơ tán.
Theo ông Chinh, mỗi xã phường cần thành lập đội xung kích cơ động hỗ trợ những hộ khó khăn, thiếu người do đi cách ly hoặc trong những khu phong tỏa.
“Tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân trong phòng chống lụt bão như giấy đi đường, mở các cửa hàng điện nước…UBND TP sẽ có chỉ đạo cụ thể, các địa phương không cứng nhắc, máy móc việc này” – ông Chinh yêu cầu.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng bão số 5 là cơn bão mạnh, đường đi hết sức phức tạp. Theo thông tin mới nhất thì cơn bão này đi vào hướng Đà Nẵng.
“TP phải xây dựng phương án bão sẽ đổ bộ Đà Nẵng, từ đó chuẩn bị cấp độ cao nhất để khi có tình huống xấu xảy ra thì có phương án xử lý” – ông Quảng nhấn mạnh.
Nhiều lực lượng hỗ trợ đưa tàu thuyền của ngư dân lên bờ tránh bão. Ảnh: TẤN VIỆT
Theo ông Quảng, Đà Nẵng đang triển khai các công việc chưa có tiền lệ vì vừa chống bão, vừa chống dịch, đây là chuyện khó. TP có kinh nghiệm chống bão nhưng không được chủ quan.
Bí thư Đà Nẵng đề nghị ngành điện lực cố gắng duy trì không để mất điện. Ngành điện cũng cần phương án có máy phát điện dự phòng tại các trạm bơm để ứng cứu kịp thời.
Ông Quảng đề nghị mở ngay âu thuyền Thọ Quang để đưa tàu thuyền vào. Mặc dù thời điểm này âu thuyền đang đóng và TP rất lo ngại về dịch bệnh nhưng vì sự an toàn của người dân nên phải mở âu thuyền.
“Khi tàu cá và ngư dân vào, Bộ đội Biên phòng phải kiểm soát, người ra vào phải xét nghiệm COVID-19. Trước mắt yêu cầu người dân ở trên tàu không cho xuống, nhưng phải chuẩn bị phương án cho người dân lên bờ khi bão vào. Quận Sơn Trà phải có địa điểm để đưa ngư dân lên bờ cách ly tập trung” – ông Quảng cho hay.
Về việc di dời dân, ông Quảng yêu cầu các địa phương phải thực hiện như phương án giãn dân trong vùng đỏ. Nguyên tắc mỗi hộ gia đình phải được bố trí một phòng.