“Phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc bảo tồn các công trình văn hóa… Chúng ta phải có kỹ thuật, duy tu duy trì đảm bảo các giá trị văn hóa nguyên bản. Chứ chúng ta đi sơn lại thì chẳng còn giá trị văn hóa gì cả” - ông Chung nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết ở các nước họ chỉ dùng nước xịt cho sạch lớp bụi bẩn bám lên di tích, còn lớp rêu phong vẫn còn nguyên vẹn. Thế nhưng trước Tết Nguyên đán, Hoàng Thành Thăng Long và cả Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được làm sạch bằng một lớp vôi ve mới.
Di tích Hoàng Thành Thăng Long được làm mới dịp trước Tết Nguyên đán.
“Quét một lớp ve mới, như vậy chẳng còn Hoàng Thành Thăng Long cách đây nghìn năm, mà như công trình xây mới. Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đi quét vôi ve lại. Theo tôi, lãnh đạo Sở Văn hóa không nên làm như vậy với công trình văn hóa” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, các đơn vị liên quan phải đưa ra kỹ thuật duy tu, duy trì đảm bảo các công trình văn hóa giữ nguyên bản. Do vậy, chủ tịch UBND TP Hà Nôi yêu cầu các đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm sau việc quét vôi ve Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng Thành Thăng Long. Vì làm như vậy khiến công trình mất đi giá trị văn hóa.
Dư luận cho rằng màu sơn mới của Văn Miếu làm mất đi vẻ cổ kính, thâm nghiêm của di tích.
Liên quan đến hiện tượng tranh cướp lộc tại chùa Hương (Mỹ Đức), lễ hội Gióng (Sóc Sơn) gây phản cảm thời gian qua, chủ tịch Hà Nội chỉ rõ việc này “cũng liên quan đến trách nhiệm của Sở Văn hóa, các quận/huyện”. “Có lẽ năm tới chúng ta cần làm việc với các ban quản lý, các sư trụ trì tại Sóc Sơn hay chùa Hương không thực hiện phát lộc như vừa rồi gây ra sự tranh cướp. Việc này diễn ra nhiều năm rồi” - ông Chung nói.
Tại cuộc họp, ông Chung cũng quán triệt cán bộ, công chức của Hà Nội không được sử dụng xe công đi lễ chùa, nếu phát hiện phải xử lý về mặt hành chính. “Thủ tướng đã quán triệt nhưng hôm qua trên báo chí vẫn phát hiện một, hai biển số xe của Hà Nội. Chúng ta phải xác minh đó là xe của đơn vị nào và phải phê bình” - ông Chung yêu cầu.