Trước những ý kiến nhiều chiều về việc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long (UBND TP Hà Nội) quét ve màu vàng khu vực Đoan Môn, thuộc di tích Hoàng Thành Thăng Long, ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, khẳng định: “Đây là việc bảo quản di tích thường kỳ, đúng theo quy trình, phương pháp mà trung tâm vẫn thực hiện hằng năm”.
Cụ thể, ông Anh cho hay việc bảo quản di tích, di vật… khu di sản Thăng long vẫn là việc lâu nay Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long vẫn làm, trong đó có việc bảo quản khu vực Đoan Môn.
Toàn bộ khu vực Đoan Môn được quét ve màu vàng mới nổi bật.
Cụ thể đối với di tích Đoan Môn, hằng năm trung tâm này vẫn bảo quản bề mặt tường, chân tường, cửa gỗ, mái, hố khai quật… Từng bộ phận của di tích Đoan Môn đều được bảo quản theo quy trình, quy chuẩn, phương pháp kỹ thuật truyền thống đã được giới chuyên gia, cơ quan chức năng thẩm định, công nhận. “Chẳng hạn như đối với cửa gỗ, hoặc hệ thống kết cấu gỗ dui mè ở phần mái… chúng tôi phải làm sạch bằng tay, đánh vecni, tức phương pháp truyền thống” - ông Anh nói.
Riêng bộ phận tường, mái… Đoan Môn do rong rêu, cây cỏ bám vào lâu ngày làm mủn vữa tường, gây mất thẩm mỹ, đặc biệt là ảnh hưởng đến cốt tường nên theo định kỳ hằng năm đều phải làm sạch bề mặt này, sau đó quét ve. “Cạo rêu, cỏ ở bề mặt đi thì không thể để nguyên vết cạo ở đó mà phải hoàn thiện lại theo quy trình bảo quản là vá vữa, sau đó quét ve. Còn tại sao màu ve màu vàng là do đây là màu của di tích Đoan Môn từ trước đến nay” - ông Anh nói.
Cửa ngách khu vực Đoan Môn được quét ve mới lại khác hẳn vẻ rêu phong, cũ kỹ trước đây.
Được biết phía Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã thực hiện việc làm mới khu vực Đoan Môn từ đầu tháng 12-2016 đến nay, dự kiến công việc này sẽ kết thúc vào ngày 20-1-2017 tới (tức 23 tháng Chạp) để tổ chức các hoạt động mừng xuân Đinh Dậu, phục vụ nhân dân. Trước đó, ảnh khu vực Đoan Môn quét ve mới đã được đưa lên nhiều trang mạng, Facebook với nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.