Những ngày qua, việc một số hạng mục kiến trúc công trình của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Văn Miếu) có màu sắc mới khiến không ít người ngỡ ngàng vì không hợp với nét xưa cũ của Văn Miếu. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (gọi tắt là trung tâm), khẳng định đây không phải là quét sơn.
“Đúng quy định, đúng kỹ thuật”
Lý giải về việc thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng gây tranh cãi này, ông Kiêu cho hay toàn bộ hệ thống tường rào xung quanh di tích, tường nhà các khu vực… chưa được vệ sinh trong vài năm nên bong tróc. Các cấu kiện gỗ cũng bị nấm mốc, bụi bẩn bám dày.
Trước thực trạng đó, trung tâm đã mời Trung tâm Kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích (thuộc Viện Bảo tồn di tích) khảo sát và tư vấn quét vôi những tường bị rêu bao phủ để tránh tình trạng trên. Ông Kiêu cũng cho hay trước khi thực hiện việc này trung tâm đã báo cáo lên Sở VH&TT TP Hà Nội. Sau đó sở này tiếp tục xin ý kiến và được sự đồng ý của UBND TP cho chủ trương triển khai…
“Trung tâm đã mời đơn vị chuyên môn bảo tồn di tích thực hiện công việc trên nguyên tắc quét vôi theo màu gốc, dùng vôi ta, không sử dụng hóa chất, chỉ thực hiện với tường ngăn giữa các khu, hàng rào quanh các hồ và một số cổng nhỏ. Còn các hạng mục quan trọng nhất của di tích như cổng chính, Khuê Văn Các, nhà Tiền Đường, nhà Hậu Đường… còn nguyên vẹn” - ông Kiêu khẳng định.
Cũng theo ông Kiêu, kỹ thuật quét vôi truyền thống pha với than bùn đang được sử dụng phổ biến trong quá trình tu sửa di tích ở Việt Nam. Kỹ thuật này không sử dụng hóa chất nên chỉ sau một thời gian, màu vôi mới sẽ trầm xuống và mốc rêu sẽ mọc trở lại.
Các hạng mục tường bao của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được quét vôi mới. Ảnh: V.THỊNH
“Có chút ngỡ ngàng nhưng phải khích lệ”
Sau khi nghe dư luận thông tin về việc di tích Văn Miếu bị làm mới, GS-TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, đã đến tận nơi để xem xét. Sau khi quan sát và tìm hiểu thông tin, ông Bài bày tỏ: “Tôi đến đây cũng có chút ngỡ ngàng nhưng vì di tích thay đổi theo chiều hướng khoa học nên chúng ta phải khích lệ chứ không nên ngăn cản hoặc phản đối”.
Theo ông Bài, nếu quét ở những bức tường ngăn, những tường xây gạch, trát truyền thống và quét bằng vôi truyền thống… thì làm đúng nguyên tắc khoa học duy tu, bảo dưỡng di tích định kỳ. Thứ nữa, việc dùng vôi ta là có màu sắc rất phù hợp với tính chất của khu di tích Văn Miếu.
“Nếu nói việc quét vôi lại làm mất đi vẻ cổ kính, xâm hại di tích thì đó là quan niệm sai lầm về khoa học. Vì các nơi quét vôi sau mấy năm sẽ trở lại như cũ” - ông Bài khẳng định. Cũng theo ông, để như thế mới là hủy hoại lớp vữa bên ngoài và không bảo vệ tốt bộ phận cấu thành nên di tích.
Việc quét vôi để bảo vệ tường là việc đương nhiên phải làm vì một số tường gạch đã bị bong tróc, rất phản cảm… Chỗ nào phản cảm, xuống cấp quá mới làm chứ không quét lại tổng thể toàn bộ di tích. Việc quét vôi là có tham khảo theo tư vấn của Viện Bảo tồn di tích. Về lâu dài, sau đợt này sẽ có tu bổ tiếp. Theo đó, chỗ nào xuống cấp quá thì chúng tôi sẽ báo cáo Bộ VH&TT để xin phép tu bổ lại. Ông TRƯƠNG MINH TIẾN, |