Theo đó, một số hạng mục kiến trúc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều được phủ một lớp vôi màu bạc.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định không hề sơn lại các hạng mục này mà chỉ quét vôi.
“Chúng tôi chỉ quét vôi ta truyền thống trộn với than bùn theo cách các cụ ngày xưa ở các tường xây mới ven hồ, tường bao cho sạch đẹp trở lại” - ông Kiêu nói.
Nhiều hạng mục của Văn Miếu đã được quét chồng lên một lớp vôi. Ảnh P.HÙNG
Cũng theo ông Kiêu, việc này đã được Sở VH-TT TP Hà Nội và TP đồng ý. Cụ thể, công việc này có tên là vệ sinh cấu kiện gỗ của di tích và quét vôi trang trí lại cảnh quan di tích đã được phê duyệt từ tháng 6 năm 2016. Đến tháng 11 đơn vị này mới bắt đầu thực hiện do phải tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng của đơn vị chuyên môn sau đó mới đưa ra phương án.
Ông Kiêu cũng khẳng định đơn vị thi công là Trung tâm kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích đưa ra phương án và chọn vôi truyền thống, hòa lẫn than bùn. Đây là cách mà các di tích ở Hà Nội như đền Ngọc Sơn vẫn thường xuyên làm hằng năm.
“Việc vệ sinh làm đẹp Văn Miếu đã khiến cho Văn Miếu sáng hơn, đẹp hơn, góp phần bảo vệ và tu bổ những hạng mục của di tích. Việc này đơn vị chúng tôi làm rất cẩn trọng và luôn giám sát kiểm tra trong quá trình đơn vị thi công thực hiện. Kinh phí thực hiện hoàn toàn của đơn vị từ nguồn thu phí, không lấy từ ngân sách Nhà nước” - ông Kiêu cho hay.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP đã có chủ trương đồng ý tôn tạo lại Gò Kim Châu trong hồ Văn và xin chủ trương của Chính phủ quy hoạch tổng thể di tích.