Vào đời vua Hiển Tông năm Ất Vị thứ 25 (tức năm 1715), Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức chọn thôn Bình Thành và thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, TP Biên Hòa) để xây dựng văn miếu Trấn Biên, có vai trò như một trung tâm văn hóa - giáo dục của vùng đất này. Trong ảnh: Cổng chính vào văn miếu.
Văn miếu Trấn Biên được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ... thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài. Trong ảnh: Nhà bia của văn miếu.
Văn miếu Trấn Biên có hai lần được trùng tu lớn: Lần trùng tu thứ nhất vào năm Giáp Dần (năm 1794). Khi ấy, chúa Nguyễn Phúc Ánh sai Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô lo việc trùng tu, "giữa làm Đại Thành điện và Đại Thành môn, phía đông làm Thần miếu, phía Tây làm Dục Thánh từ, trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kim Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn, chính giữa sân trước dựng Khuê Văn Các treo trống chuông trên đấy, phía tả có Sùng Văn đường, phía hữu có Duy Lễ đường. Chu vi bốn mặt ngoài xây thành vuông, mặt tiền làm cửa văn miếu, phía tả phía hữu có cửa nghi môn, rường cột chạm trổ, quy chế tinh xảo, đồ thờ có những thần bái, khám vàng, ve chén và đồ phủ quỹ biên đậu đều chỉnh nhã tinh khiết. Trong ảnh: Khuê Văn Các trong văn miếu Trấn Biên.
Lần trùng tu thứ hai vào năm Tự Đức thứ năm (Nhâm Tý, 1752). Sau khi hoàn thành, văn miếu có quy mô lớn hơn trước: "Văn miếu chính đường và tiền đường đều năm gian, lại dựng thêm hai dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy năm gian, đền Khải Thánh, chính đường và tiền đường đều ba gian, một tòa cửa giữa ba gian, một tòa cửa trước một gian, một tòa kho đồ thờ ba gian, một tòa Khuê Văn Các hai tầng, ba gian hai chái; phía trước, biển "Đại Thành điện" đổi làm "Văn miếu điện" và "Khải Thánh điện" đổi làm "Khải Thánh từ". Trong ảnh: Toàn cảnh văn miếu Trấn Biên nhìn từ trên cao.
Hằng năm, vào ngày đinh mùa xuân và mùa thu, đích thân chúa Nguyễn đến văn miếu Trấn Biên để hành lễ. Sau năm 1802, vua Nguyễn ủy nhiệm cho quan Tổng trấn thành Gia Định, Tổng trấn Biên Hòa và quan Đốc học hằng năm đến đây hành lễ thay nhà vua. Trong ảnh: Cổng Đại Thành môn của văn miếu Trấn Biên.
Gắn liền với văn miếu Trấn Biên là một nền giáo dục phát triển khá sớm ở Biên Hòa - Đồng Nai lúc bấy giờ. Và trên nền giáo dục ấy cũng đã sản sinh ra những tên tuổi làm rạng rỡ vùng đất phương Nam, đồng thời tô điểm thêm truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc ta như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Nguyễn Đình Chiểu...mTrong ảnh: Tượng đức Khổng Tử trong khuôn viên văn miếu.
Do thời gian và những biến cố lịch sử, văn miếu Trấn Biên bị tàn phá không còn lại dấu vết (theoBiên Hòa sử lược của nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu, năm 1861 khi tiến chiếm Biên Hòa, quân Pháp đã đốt phá văn miếu Trấn Biên), người đời nay chỉ hình dung văn miếu Trấn Biên xưa qua sử sách. Song với những gì được mô tả và người đời lúc bấy giờ xưng tụng, người Biên Hòa -Đồng Nai hôm nay rất đỗi tự hào về ngôi đền văn miếu của mình.
Kiến trúc nổi bật với những vòm mái cong lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc bằng gốm tráng men.
Để kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng lại văn miếu Trấn Biên trên nền văn miếu xưa thuộc phường Bửu Long, TP Biên Hòa, cách trung tâm TP khoảng 3 km, gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long. Trong ảnh: Gian giữa trong nhà thờ chính có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc tổ Hùng Vương.
Lễ khởi công diễn ra vào ngày 9-12-1998 và khánh thành công trình giai đoạn 1 vào ngày mùng 3 tết Nhâm Ngọ 2002 (nhằm ngày 14-2-2002). Trong dịp kỷ niệm 290 năm văn miếu Trấn Biên, các công trình giai đoạn 2 tiếp tục được xây dựng và mở rộng thêm diện tích. Trong ảnh: Bên trái và bên phải nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn...
Văn miếu là nơi bảo tồn, giữ gìn và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc và của địa phương, đồng thời là một thiết chế văn hóa, du lịch gắn với khu danh thắng Bửu Long đã được công nhận là di tích quốc gia. Trong ảnh: Bàn thờ Lê Quý Đôn.
Trong gian thờ này, đặc biệt có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt.
Phía trước hai bên nhà thờ chính là Văn Vật khố (nơi trưng bày bốn làng nghề truyền thống của Biên Hòa - Đồng Nai gồm: nghề đồng, nghề mộc, nghề đá, nghề gốm. Đăng đối hài hòa với Văn Vật khố là Thư khố - nơi trưng bày các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo... viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay.
Ngoài ra, nơi văn miếu Trấn Biên còn có khu sinh hoạt truyền thống gồm có nhà truyền thống, bia truyền thống và các công trình phụ cận. Bia truyền thống Trấn Biên - Đồng Nai khắc bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước.
Sáng 22-11, ban quản lý Khu di tích văn miếu Trấn Biên đã tiến hành lễ dâng hương báo công nhân dịp nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia.