Chiều 16-1, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) và UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức buổi họp mặt đại biểu đội quân tóc dài, bộ đội Thu Hà và nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP) nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định và 60 năm ngày Bến Tre đồng khởi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội LHPN VN, lãnh đạo tỉnh Bến Tre và hơn 200 các cô, các dì là đại biểu đội quân tóc dài, bộ đội Thu Hà, nữ TNXP từ 19 tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, TP.HCM…
Sự ra đời của đội quân tóc dài huyền thoại
Cách đây tròn 60 năm, phong trào Đồng khởi nổ ra đầu tiên tại Bến Tre và dần lan rộng khắp miền Nam, đánh dấu một bước chuyển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, từ phong trào Đồng khởi đã ra đời một đội quân đặc biệt - đội quân tóc dài đi như “nước lũ tràn về” với sự chỉ đạo tài ba của anh hùng nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Từ xứ dừa, đội quân tóc dài đã mở rộng toàn miền Nam và đến năm 1965, quân số thường trực của đội quân tóc dài đã lên tới 2 triệu phụ nữ.
Bất chấp tù đày, tra tấn, nhà cửa bị tàn phá, các dì, các chị vẫn vững vàng, kiên trung và là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của phụ nữ VN trước vận mệnh của Tổ quốc. Sức mạnh của những người phụ nữ tay không tấc sắt, chỉ có lòng căm thù và ý chí quyết thắng đã chiến thắng kẻ thù.
Cũng từ lực lượng phụ nữ đông đảo của đội quân tóc dài đã xuất hiện một đại đội vũ trang cũng rất đặc biệt, C710 - thường được nhân dân gọi theo tên của người trung đội trưởng anh dũng - bộ đội Thu Hà. Từ lực lượng ban đầu chỉ 36 cô gái tuổi đôi mươi, bộ đội Thu Hà là lực lượng bộ đội nữ đầu tiên của chiến trường Khu 8, Quân khu 9 mà từ thành viên đến việc tổ chức, chỉ huy đều do phụ nữ đảm nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội thăm hỏi các cô, các dì đội quân tóc dài năm xưa. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Các bà, các mẹ thuộc đội quân tóc dài đến thăm đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: CTV
Nghe nhân chứng sống kể chuyện cầm tóc đi đấu tranh
Một trong những nhân chứng tiêu biểu cho đội quân tóc dài tham gia đấu tranh khi đó là bà Lê Thị Thoại (Út Thoại, năm nay 77 tuổi, ở ấp Tân Phú 2, xã Phước Hiệp), cũng là một trong những nạn nhân bị địch bắt và hãm hiếp vào ngày 26-2-1960.
Từ mờ sáng 28-2-1960, đoàn “tản cư” đầu tiên có 20 chị em phụ nữ vượt vòng vây của bọn thủy quân lục chiến tiến về thị trấn Mỏ Cày, vào đến khu dinh quận thì bắt đầu tố khổ. Út Thoại và mấy chị em đi kèm tiến thẳng vào dinh quận, lực lượng tràn vào mỗi lúc một đông, sau đó lên hơn 5.000 người. Cuộc đấu tranh chính trị trực diện đầu tiên của nhân dân sau hơn một tháng rưỡi nổi dậy với quy mô lớn và giành thắng lợi to lớn, gây tiếng vang trên toàn tỉnh.
Một nhân chứng khác là bà Lê Thị Minh Đức (năm nay 86 tuổi) kể bà tham gia cách mạng năm 14 tuổi (1948). Bà nhiều lần lên Sài Gòn tham gia đấu tranh đòi Mỹ rút, Diệm từ chức. Có lần bà bị bắt giam cả tuần và bị đánh đến ngất đi, được chuyển vào nhà thương rồi tổ chức tìm cách cho bà trốn về Bến Tre.
Năm 1960, bí thư Chi bộ xã Phước Hiệp kêu gọi bà tham gia phong trào Đồng khởi, gia nhập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Bà tham gia ban chỉ đạo ở bên trong, làm công tác binh vận, vận động quần chúng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo Trung ương Hội LHPN VN đã trân trọng gửi đến các cô, các dì, các chị món quà xuân và 1 triệu đồng tiền mặt thể hiện tình cảm của các thế hệ phụ nữ VN nhân dịp tết đến. |
Kể về một trong những lý do gọi là đội quân tóc dài thời đó, bà Minh Đức cho biết: Thời gian đó, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ và kiên cường của các chị em phụ nữ, quân địch rất tức giận và tìm mọi cách để hành hạ, đàn áp, trong đó có việc cắt tóc, bắt phơi nắng, ngâm nước, chúng nói rằng đây là đội quân “lì lợm”. Có người chuẩn bị lấy chồng bị chúng cắt tóc để cho xấu đi… Thời đó, tóc đối với phụ nữ là rất quý, khi bị cắt tóc, chị em lấy phần tóc bị cắt đó đem đi đấu tranh tiếp. Phong trào nổi tiếng đến nỗi có đoàn cán bộ của Liên Xô sang khi nghe tin đã đến tận nơi chứng kiến, có người còn xin hộp tóc về như để có một minh chứng của phong trào phụ nữ nơi đây.
Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN VN, cho biết: “Cuộc gặp mặt hôm nay là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, cống hiến to lớn của thế hệ phụ nữ anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Tinh thần hy sinh, hết lòng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tận tụy vì nước, vì dân; lối sống giản dị, nhân hậu của cô Ba Định và các má, các chị luôn là tấm gương sáng góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay”.
Tiếp nối truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” Các má, các chị đã tiếp nối truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” với những tên tuổi chói sáng như Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Diệu, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Út Tịch, Tô Thị Huỳnh, Kan Lịch, Võ Thị Thắng, Tạ Thị Kiều, Lê Thị Hồng Gấm và rất nhiều, rất nhiều phụ nữ chưa được nêu tên nhưng chiến công đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. |