Phong trào Đồng Khởi - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam

Sáng 19-12, tại Bến Tre, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Phong trào Đồng Khởi năm 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam”.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng hơn 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan trung ương, Bộ Quốc Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, các tướng lĩnh, cán bộ lão thành, người có công… tham dự hội thảo.

Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng Khởi (17-1-1960 _ 17-1-2020).

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh việc tổ chức hội thảo khoa học nhằm tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam; sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam bộ, nhân tố quan trọng tạo nên thắng lợi của phong trào Đồng khởi.

Theo bà, đây cũng là sự khẳng định vai trò, vị trí của phong trào đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước; làm rõ tầm vóc, ý nghĩa, kết quả, nguyên nhân thắng lợi của phong trào Đồng khởi, mà đỉnh cao là Đồng khởi ở Bến Tre. Qua đó đúc rút những kinh nghiệm quý, những bài học thiết thực để phát huy, vận dụng vào thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại hội thảo.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã đánh dấu bản lĩnh chính trị, tư duy độc lập, tự chủ sáng tạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng miền Nam. Đây là nhân tố trực tiếp thổi bùng ngọn lửa đấu tranh để đưa đến thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, tạo nên bước ngoặt đưa cách mạng Miền Nam tiến lên.

“Những kinh nghiệm, bài học rút ra từ phong trào Đồng Khởi của 60 năm trước cần được tiếp tục nghiên cứu vận dụng để tạo nên các cuộc Đồng Khởi mới, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi đến thành công, bảo vệ vững chắc Tổ quốc...” - Thượng tướng Chiêm nhấn mạnh.

 Trước đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu viếng đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định.

 

Phát biểu tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lại diễn biến, phân tích ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre. Trong đó làm rõ thời cơ chín muồi cho Đồng Khởi, vai trò của các lực lương tham gia, sức mạnh của quần chúng nhân dân, nhất là “Đội quân tóc dài” đã làm nên Đồng Khởi.  

Đặc biệt, hội thảo đã làm nổi bật vai trò của nữ tướng Nguyễn Thị Định (Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) bấy giờ là người truyền đạt và có sự sáng tạo trong vận dụng Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương vào thực tế tình hình của tỉnh Bến Tre để đem đến thắng lợi.

Các cô, các dì trong Đội quân tóc dài năm xưa.

Trong khuôn khổ của hội thảo, vào chiều 18-12, lãnh đạo Bộ Quốc ư phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội Việt Nam, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã dâng hương, đặt vòng hoa, báo công trước anh linh nữ tướng Nguyễn Thị Định - người đã có đóng góp to lớn cho thắng lợi của cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre nói riêng, của Quân đội nhân dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam nói chung.

Cách nay 60 năm, ngày 17-1-1960, nhân dân ở ba xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày; nay là huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) do nữ tướng Nguyễn Thị Định trực tiếp chỉ đạo đồng loạt đứng lên khởi nghĩa, mở màn cho phong trào Đồng khởi ở Bến Tre. Với vũ khí thô sơ, gậy gộc, giáo mác… nhân dân nhất loạt vùng lên phá đồn bốt, tiêu diệt ác ôn, đập tan bộ máy cai trị của Mỹ-Diệm ở các xã, ấp.
Sau đó phong trào Đồng Khởi đã sôi sục, lan rộng ra các địa phương khác của tỉnh Bến Tre như Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri…  và giành được nhiều thắng lợi. 

Thắng lợi vang dội của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre đã tạo nên khí thế  “triều dâng, thác đổ”, quần chúng cách mạng đã vùng lên đấu tranh, tạo nên phong trào Đồng Khởi lan rộng khắp miền Nam, phá vỡ một mảng lớn chính quyền địch ở nông thôn, làm phá sản các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, tạo nên bước ngoặt của cách mạng miền Nam.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm