Năm 2024, TP Đà Nẵng xác định chủ đề là “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Đồng thời TP cũng đặt quyết tâm rất cao để trở lại “đường đua” tăng trưởng nhanh khi đặt mục tiêu tăng 8%-8,5% so với năm 2023.
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, về những thành tựu đã đạt được trong năm 2023 và định hướng, mục tiêu phát triển của TP Đà Nẵng trong năm 2024.
Bứt phá để hoàn thành nhiều mục tiêu
. Phóng viên: Năm 2023, kinh tế - xã hội của TP có nhiều điểm sáng đáng chú ý nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng?
+ Ông Lê Trung Chinh: Đúng vậy. Năm vừa qua quy mô kinh tế TP tăng gần 10.000 tỉ đồng, lượng du khách đến TP Đà Nẵng tăng gấp đôi so với năm 2022, công tác chuyển đổi số cũng đạt nhiều kết quả quan trọng.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số chỉ tiêu mà chúng tôi đề ra chưa đạt được. Nguyên nhân một phần do chúng ta đang phải đối diện với sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, năng lực cạnh tranh, thu hút FDI hay những tác động của đại dịch COVID-19…
Để phát triển kinh tế TP cần có những động lực mới. Vì vậy, chúng tôi xác định sẽ tập trung xây dựng các mũi nhọn mới, các chính sách đột phá về cơ chế, báo cáo Trung ương cho phép.
Năm 2024, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tăng cường thu hút đầu tư, kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, TP cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư của các dự án trọng điểm.
. Vậy TP Đà Nẵng đã có những hành động cụ thể gì để có thể đạt cao nhất mục tiêu tăng trưởng 8%-8,5% đã đề ra trong năm 2024 này?
+ Ngay từ đầu năm 2024 lãnh đạo TP đã tập trung chỉ đạo, điều hành các sở, ban ngành, quận, huyện tham mưu nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy các lĩnh vực thế mạnh của địa phương; đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các vấn đề tồn tại nhiều năm…
Trong năm 2023, TP đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô quốc tế như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội tận hưởng Đà Nẵng 2023, Lễ hội du lịch golf Đà Nẵng... Lãnh đạo TP đã tích cực làm việc với các quốc gia và các hãng hàng không để khôi phục nhiều đường bay quốc tế và trong nước; đồng thời mở thêm ba đường bay quốc tế thường kỳ đến Manila - Philippines, Vientiane - Lào, Cheongju - Hàn Quốc.
TP cũng đã tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư với tổng vốn đầu tư trong nước ước tính đạt khoảng 60.000 tỉ đồng, thu hút FDI đạt hơn 200 triệu USD…
Năm 2023, TP Đà Nẵng đoạt giải thưởng TP thông minh Việt Nam hạng mục TP hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là lần thứ ba Đà Nẵng nhận được giải thưởng này.
TP Đà Nẵng cũng được Bộ KH&CN vinh danh là địa phương có đóng góp nổi bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, TP đã thực hiện sơ kết ba năm Nghị quyết 119, qua đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện; bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù mới, tạo động lực phát triển TP trong giai đoạn tới và đã được Quốc hội thống nhất chủ trương.
TP cũng sẽ sớm hoàn thành xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển TP theo mục tiêu đã đề ra. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ chuyển đối số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt là phát triển du lịch bền vững để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP.
Cùng với phát triển kinh tế, TP cũng sẽ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” gắn với chương trình thành phố “5 không”, “3 có” nhằm bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; giữ vững và tăng cường an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Năm 2024 được xác định là năm cần tạo ra bứt phá để hoàn thành kế hoạch năm năm 2021-2025. Vì vậy, TP sẽ quyết tâm cao nhất để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Tham gia cuộc đua toàn cầu về chip bán dẫn
. TP Đà Nẵng đang quyết tâm phấn đấu trở thành TP khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghiệp chip bán dẫn? Điều gì thôi thúc TP “dấn thân” vào cuộc đua mang tính chất cách mạng toàn cầu này?
+ Nghị quyết 43/2019 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Tầm nhìn đến năm 2045, TP Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Để thực hiện mục tiêu này, TP đã tập trung xây dựng, kiến tạo, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều văn bản quan trọng tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn được ban hành.
Về công nghiệp chip bán dẫn, TP cũng có kế hoạch và xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP TP, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu bảy khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.
TP Đà Nẵng cũng định hướng tiếp cận tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch, bán dẫn toàn cầu dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Trong đó, chúng tôi tập trung vào ba nhóm nhân lực chính là đội ngũ giảng viên, kỹ sư đã và vừa ra trường có năng lực, thu hút chuyên gia có kinh nghiệm đã thành công.
Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội, trong đó có các cơ chế, chính sách đặc thù cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng hay ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, nghiên cứu thiết kế chip bán dẫn...
Xây dựng đô thị Đà Nẵng xứng tầm
. Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vậy TP sẽ làm gì để hiện thực hóa quy hoạch?
+ Đà Nẵng là TP đầu tiên trong năm TP trực thuộc Trung ương được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, TP đã tổ chức lễ công bố quy hoạch và đang lập kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch trình Thủ tướng. Hiện TP đã phê duyệt và trình phê duyệt 2/9 đồ án phân khu đô thị là đồ án ven sông Hàn và bờ Đông; đồ án đô thị huyện lỵ Hòa Vang…
Việc phát triển và hợp tác khu vực tiểu vùng sông Mekong dựa trên hành lang kinh tế Ðông - Tây, hành lang kinh tế Đông - Tây 2 kết nối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Lào, Thái Lan, Myanmar là một dư địa phát triển vô cùng lớn cho TP Đà Nẵng và vùng miền Trung - Tây Nguyên. Cảng Đà Nẵng cũng sẽ trở thành cửa biển chính hướng ra Thái Bình Dương của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên…
Thông qua hợp tác, liên kết vùng ở khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn giúp TP Đà Nẵng mở rộng không gian phát triển kinh tế. Trong đó, TP Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai, Kỳ Hà (Quảng Nam) - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn; hình thành vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An.
Đà Nẵng cũng nhận được sự ủng hộ của Trung ương để trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Nghị quyết 43 chính là định hướng nền tảng cho sự phát triển của TP trong tương lai...
Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng có những điều kiện hết sức thuận lợi để thúc đẩy phát triển thành một đô thị thông minh, kinh tế số…
Có thể khẳng định Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò rất quan trọng để xây dựng đô thị Đà Nẵng xứng tầm.
. Xin cảm ơn ông.
Đà Nẵng sẽ bước sang giai đoạn phát triển mới
Gần ba năm triển khai Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, Quốc hội.
Bộ máy chính quyền TP được tổ chức tinh gọn, hoạt động thông suốt; cơ quan hành chính chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề phát sinh, cấp bách ở địa phương, góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 119 cũng phát sinh một số khó khăn, hạn chế, chưa đủ để tạo ra động lực đủ mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Vì vậy, TP đã đề nghị Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
TP Đà Nẵng đề xuất được chính thức áp dụng mô hình chính quyền đô thị, không thí điểm nữa và bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi tổ chức mô hình này. Đồng thời đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất ban hành những cơ chế, chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn…, phê duyệt Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Trong lần làm việc mới đây với TP, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí cho rằng để TP Đà Nẵng bứt phá thì cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để TP bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng LÊ TRUNG CHINH