Chủ yếu chỉ phát hiện và xử lý tham nhũng nhỏ ở cấp xã

Đáng chú ý, trong khi báo cáo của Chính phủ nhận định: “Tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi” thì các con số lại phản ánh số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố lại… giảm dần theo từng năm.

Xử lý trách nhiệm 18 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng 

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho hay năm 2016 có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có năm người bị xử lý hình sự. Như vậy, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Phạm Trọng Đạt Cục trưởng Cục chống tham nhũng

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, phát biểu tại buổi họp.

Đánh giá về việc này, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết cũng có dư luận phản ánh tình trạng người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình.

“Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể các trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, nhất là năm trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự được nêu trong báo cáo là do họ có hành vi tham nhũng hay do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng” - ông Cường nói.

Số vụ tham nhũng phát hiện, xử lý giảm

Theo báo cáo, ngành thanh tra có 58 tổ chức, đơn vị cấp phòng chuyên trách về PCTN tại Thanh tra Bộ, Thanh tra cấp tỉnh; công an có 27 đơn vị chuyên trách cấp tỉnh và 140 đơn vị chuyên trách cấp huyện; VKS có 24 đơn vị chuyên trách cấp tỉnh và 154 đơn vị chuyên trách cấp huyện; tòa án có 12 đơn vị chuyên trách cấp tỉnh và 86 đơn vị chuyên trách cấp huyện. Như vậy, chưa kể đến các cơ quan ở trung ương đã có tới hàng trăm cơ quan chuyên trách về PCTN.

Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng hiệu quả hoạt động của các cơ quan chống tham nhũng còn chưa tương xứng với quy mô của bộ máy chống tham nhũng và tình hình tham nhũng đang diễn ra. 

Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng công tác khởi tố, điều tra và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đều không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 111/2015/QH13.

Vẫn còn một số vụ án xử lý kéo dài, xem xét, xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa thật nghiêm khắc.

Từ 1-10-2015 đến 31-7-2016, CQĐT thụ lý điều tra 236 vụ án, khởi tố 609 bị can phạm tội về tham nhũng; VKS đã truy tố 236 vụ, 548 bị can; TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 159 vụ, 402 bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Trong khi đó, năm 2014, CQĐT khởi tố mới 256 vụ, 593 bị can; VKS truy tố 329 vụ, 751 bị can; tòa án các cấp xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về tội danh tham nhũng.

Năm 2015, CQĐT khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can (giảm 43,8 số vụ và 87% số bị can); VKS truy tố 310 vụ, 697 bị can (giảm 0,61 số vụ và 0,77% bị can); TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 517 bị cáo (giảm 10,3% số vụ và 30,5% số bị cáo về các tội danh tham nhũng).

Qua khảo sát tại một số tỉnh của Ủy ban Tư pháp cho thấy tỉ lệ cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử dưới khung luật định đối với các vụ án tham nhũng tại địa phương còn cao. Ví dụ, Thanh Hóa xét xử tám bị cáo về các tội danh tham nhũng, cho hưởng án treo ba bị cáo, 25% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Nghệ An xét xử bảy bị cáo phạm tội về tham nhũng thì cho ba bị cáo được hưởng án treo, 100% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Thực tế cho thấy tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, phường, thị trấn hoặc những vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, còn ở cấp tỉnh, cấp huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng được ít.

“Đề nghị Chính phủ, các ngành cần đánh giá rõ hơn về nguyên nhân của tình trạng này” - Thường trực Ủy ban Tư pháp kiến nghị.

Những con số đáng chú ý

-  Hơn một triệu người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2015, 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập nhưng chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

- Không có trường hợp nào được phát hiện vi phạm quy định về nộp quà tặng.

- 10 người bị tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác khác do vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng (Bộ Tài chính bốn người, Sơn La ba người, Quảng Nam hai người, Gia Lai một người).

- 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý (Bộ Tài chính bốn người, TP.HCM một người, TP Hà Nội tám người, Thừa Thiên-Huế một người, Quảng Ngãi hai người, Tây Ninh hai người).

- 12% bị cáo về các tội danh tham nhũng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.

- Bốn bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.

- 240 tỉ đồng, 838 m2 đất bị thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng trong năm 2016.

- 92,460 tỉ đồng đã được thu hồi và kê biên bảy bất động sản, đạt tỉ lệ 38,3%. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm