Báo Wall Street Journal ngày 3-2 tiết lộ chính phủ Mỹ đang nghiên cứu khả năng cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine. Trước đó báo New York Times cũng đã khẳng định Mỹ đang xem xét khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Dù vậy, đêm 2-2 (giờ địa phương), phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Ben Rhodes tuyên bố trên đài truyền hình CNN: Cung cấp thêm nhiều vũ khí không phải là lời giải đáp cho khủng hoảng Ukraine.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn nghĩ rằng cách tốt nhất là tác động đến các toan tính của Nga thông qua các biện pháp trừng phạt đánh mạnh vào kinh tế Nga”.
Tại cuộc họp báo thường lệ cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki trả lời hết sức dè dặt. Khi được hỏi về bài viết trên báo New York Times khẳng định Mỹ và NATO dự kiến cung cấp vũ khí cho Ukraine, bà từ chối bình luận hay khẳng định.
Ngày 2-2, các binh sĩ tiểu đoàn Aydar đốt vỏ xe trước cổng Bộ Quốc phòng ở Kiev. Tiểu đoàn này bị điều tra vì các hành vi man rợ trong chiến tranh. Ảnh: GETTY IMAGES
Bà Jennifer Psaki nói: “Không có lựa chọn nào được đưa ra nhưng cũng không loại trừ lựa chọn nào. Cuộc thảo luận vẫn tiếp tục”.
Bà ghi nhận: “Chúng tôi tiếp tục xem đó là cách tốt nhất để ủng hộ Ukraine. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là đạt được giải pháp bằng con đường ngoại giao. Và chúng tôi thường xuyên xem xét nhiều giải pháp khác có thể giúp thay thế một giải pháp đã đàm phán về khủng hoảng”.
Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi dành quyền dự kiến mọi lựa chọn khác nhau”. Bà giải thích: “Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai lại muốn có chiến tranh gián tiếp với Nga. Đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu của chúng tôi là thay đổi cách thức ứng xử của Nga. Chính vì thế mà chúng tôi đã tiến hành cấm vận”.
Ngày 2-2, nhận định về thông tin Mỹ dự kiến cung cấp vũ khí cho Ukraine, người phát ngôn chính phủ Đức khẳng định giải pháp quân sự không phải là giải pháp chính phủ Đức dự kiến để giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Cùng ngày, phát biểu tại ĐH Andrassy ở Budapest trong chuyến công du đến Hungary, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga không làm ai vui sướng. Bà thừa nhận trừng phạt Nga cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong Liên minh châu Âu.
Bà ghi nhận Liên minh châu Âu mong muốn giữ quan hệ với Nga tốt như với Ukraine vì quan hệ tốt với Nga sẽ có lợi cho mọi người về chính trị cũng như kinh tế.
Trong khi đó tại Nga, người phát ngôn tổng thống Nga tuyên bố Tổng thống Nga Putin cực kỳ quan ngại về tình hình miền Đông Ukraine và kêu gọi các bên tham chiến ở miền Đông Ukraine chấm dứt bạo lực.
Tại Ukraine, hãng tin RIA Novosti (Nga) đưa tin ngày 2-2, cha mẹ các binh sĩ đang chiến đấu ở chiến trường Debaltsevo (miền Đông Ukraine) đã biểu tình trước Bộ Quốc phòng ở Kiev.
Họ yêu cầu Bộ Quốc phòng tăng viện để cứu các binh sĩ đang bị bao vây và yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Stepan Poltorak từ chức.
Báo Kommersant (Nga) ngày 3-2 đưa tin lực lượng ly khai ở Donetsk và Luhansk đã ra thông cáo chung nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng ngưng bắn nhưng chỉ ngưng bắn tại vị trí hiện tại… Chúng tôi tán thành đàm phán hòa bình. Chúng tôi yêu cầu chính quyền Kiev ngồi vào bàn đàm phán để đạt đến thỏa thuận”. Nói cách khác, lực lượng ly khai muốn đàm phán với điều kiện hủy bỏ đường phân định giới tuyến cũ và lấy vị trí đóng quân hiện tại làm đường phân giới mới. __________________________________ Chúng tôi nghĩ rằng câu trả lời là gây sức ép với Nga để ngồi vào bàn đàm phán với lực lượng ly khai nhằm xuống thang một cách hòa bình. Và tôi lặp lại, chúng tôi luôn luôn có khả năng gây sức ép nhiều hơn với Nga bằng kinh tế thay vì đưa nhiều vũ khí đến Ukraine. Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng BEN RHODES |