Chiều 27-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho biết Sở đã gửi mẫu nước cùng mẫu cá chết ở vùng biển hai xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh thuộc huyện Vạn Ninh đến Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN&PTNT) để phân tích, kiểm nghiệm nhưng chưa có kết quả.
“Trước mắt, Sở NN&PTNT phân công Chi cục Thủy sản phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình tại vùng biển này, đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm sẽ có biện pháp xử lý, khắc phục” - ông Bản nói.
Cá biển chết tấp vào trắng bờ ở Vạn Ninh. Ảnh: CTV
Cũng theo ông Bản, đến nay số liệu báo cáo từ Chi cục Thủy sản cho biết số lượng cá chết tại vùng biển Vũng Sim thuộc các xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh đã lên khoảng 20 tấn.
Trong khi đó, theo một cán bộ UBND huyện Vạn Ninh, hiện tượng cá biển chết hàng loạt vẫn tiếp tục xảy ra tại địa phương này.
Nhiều khu vực bãi biển, xác cá tấp vào trắng bờ, bốc mùi hôi thối. Chính quyền các địa phương phải huy động nhiều lực lượng cùng người dân thu gom, xử lý để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nhiều ngư dân ở các xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh tạm ngưng đánh bắt vì giá hải sản hạ thấp.
Phần lớn các loại cá biển chết ở Vạn Ninh sống ở tầng đáy. Ảnh: CTV
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện tượng cá tự nhiên chết hàng loạt nổi lên trên vùng biển Vạn Thọ- Vạn Thạnh xuất hiện từ ngày 24-11. Phần lớn các loại cá chết ở tầng đáy như cá mú, cá đục, cá chim, cá hồng…
Ngoài ra, một số hải sản nuôi bằng lồng tại vùng biển này cũng bị chết hàng loạt như cá bớp, tôm hùm, ốc hương… Nhiều người dân địa phương khẳng định chưa bao giờ cá biển tự nhiên chết hàng loạt với số lượng nhiều như vậy tại vùng biển này.
Ghi nhận ban đầu của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho thấy nước biển tại các khu vực có cá chết khá đục, có màu đỏ, có mùi hôi. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng có khả năng cá chết do tảo đỏ làm môi trường nước thay đổi.
Trước đó, sau đợt mưa lũ đầu tháng 11-2016, cá bớp nuôi ở vùng biển huyện Vạn Ninh cũng bị chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỉ đồng. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân do nguồn nước bị ngọt hóa, thay đổi đột ngột, làm cá bị sốc.