“Qua lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cuốn sách đã cung cấp những chứng cứ lịch sử-pháp lý, khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo này”.
Đó là đánh giá của GS Phan Huy Lê khi nói về cuốn sách Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa của tác giả - GS-TS Nguyễn Quang Ngọc tại buổi giới thiệu tủ sách "Thành tựu khoa học và chuyển giao tri thức" ngày 11-4 tại Hà Nội.
Cũng theo GS Phan Huy Lê, cuốn sách nói trên cũng trình bày những hành động xâm lược và mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
“Nội dung của công trình là nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam theo hướng tiếp cận lịch sử, qua các tư liệu chứng minh sự thật lịch sử về quá trình Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo như thế nào. Chủ quyền về hai quần đảo lại được đặt trong không gian sinh tồn của Việt Nam trên biển Đông và bối cảnh lịch sử xuyên suốt từ thời tiền sử, qua vương quốc Champa, Phù Nam cho đến quốc gia - dân tộc Đại Việt - Việt Nam. Từ đó thấy rõ hơn vị trí “cương giới trên biển” và địa thế “tối hiểm yếu” (Châu bản triều Nguyễn) của hai quần đảo trong cuộc sống và yêu cầu phòng vệ đất nước của Việt Nam” - GS Phan Huy Lê nói.
Nội dung trên của cuốn sách cũng được tác giả - GS-TS Nguyễn Quang Ngọc phát biểu tại buổi giới thiệu và phát hành tủ sách "Thành tựu khoa học và chuyển giao tri thức" diễn ra tại Hà Nội.
GS-TS Nguyễn Quang Ngọc phát biểu tại buổi ra mắt tủ sách.
“Chúng tôi muốn làm thế nào kết hợp, giới thiệu một cách tương đối bài bản những tư liệu gốc hay tư liệu nguyên gốc, hay là những tư liệu nó có liên quan và có thể chứng minh được nó có xuất xứ một cách rõ ràng với quá trình lịch sử chủ quyền” - GS-TS Nguyễn Quang Ngọc cho hay.
Trong phần giới thiệu mở đầu cuốn sách, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc cũng bày tỏ các nguồn tư liệu Việt Nam cùng với thư tịch và bản đồ cổ của Trung Quốc, phương Tây và các nước có liên quan đều xác nhận quá trình từng bước nhận thức và khai chiếm biển Đông vốn của Việt Nam, đặc biệt trong nhiều thế kỷ liên tục, ít nhất từ thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, các nhà quân chủ Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình một cách thật sự ở Hoàng Sa, Trường Sa.
“Vì thế, quá trình nghiên cứu chúng tôi cũng tập trung vào nguồn tư liệu trong khoảng thời gian này nhiều hơn. Tư liệu trước thế kỷ XVII được khai thác như là tiền đề, cơ sở cho quá trình xác lập chủ quyền, còn tư liệu tính từ năm 1909 trở lại đây được trình bày như những minh chứng cho quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền” - GS-TS Nguyễn Quang Ngọc mô tả.
Trong cuốn sách, bạn đọc có thể nhận thấy nhiều bằng chứng có giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó cũng đưa ra nhiều dữ liệu phủ nhận các thông tin không có cơ sở của Trung Quốc.
Cụ thể như tại chương V của cuốn sách đề cập: “Mặc dù Sách Trắng Trung Quốc khẳng định từ thời Hán Vũ Đế (140 TCN - 88 TCN) Trung Quốc đã phát hiện ra hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) nhưng hoàn toàn không có bất kỳ tư liệu nào chứng minh cho luận điểm hoang tưởng này.
Theo đó, bản đồ Trung Quốc cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ XX chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam với những lời giải thích tuyệt đối chính xác rằng “điểm tận cùng của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu trên đảo Quỳnh Châu, tức 18°13 vĩ độ Bắc”.
Nhiều cuốn sách có giá trị trong tủ sách cũng được giới thiệu dịp này.
Cũng theo cuốn sách, thư tịch cổ và bản đồ cổ của Trung Quốc tính cho đến thế kỷ XIX và thậm chí cả những năm cuối thập kỷ đầu của thế kỷ XX đều phản ánh một thực tế hết sức hiển nhiên là vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua đảo Hải Nam.
Sách cũng đồng thời đưa ra các tựa đề như là lời khẳng định: “Bành trướng trên giấy không đi liền với hành động chiếm hữu trên thực tế các quần đảo giữa biển Đông của Trung Hoa Dân Quốc.
Sách do Công ty Cổ phần Tri thức văn hóa sách Việt Nam phối hợp với NXB Đại học Quốc gia ấn hành.
Cùng với cuốn sách, tủ sách "Thành tựu khoa học và chuyển giao tri thức" với nhiều nghiên cứu của 200 nhà khoa học nổi tiếng dịp này cũng được xuất bản và phát hành.